Rút ngắn thời gian làm thủ tục
“Đó là kết quả của những cố gắng, nỗ lực trong thời gian qua, đặc biệt chương trình Năm doanh nghiệp 2014. Vẫn còn nhiều điểm chúng tôi chưa hài lòng, cần phải cố gắng”, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
DN đến làm thủ tục ở Sở KH&ĐT Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường.
Theo Phó Chủ tịch Võ Duy Khương, công khai minh bạch là yếu tố tiên quyết, hàng đầu để tạo niềm tin vào DN, và chương trình “Năm doanh nghiệp 2014” luôn đề cao cái đó. Cụ thể, với lãnh đạo thành phố, mỗi năm đối thoại trực tiếp với DN 1 - 2 lần. Còn các quận, huyện, sở ban ngành phân bổ, mỗi quý một lần.
Đó là chưa kể, cánh cửa chính quyền, cánh cửa lãnh đạo từ thành phố đến các cấp luôn rộng mở, sẵn sàng tiếp, lắng nghe đề xuất, ý kiến của bất kỳ DN nào. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng như các ngành cũng thường xuyên về với DN để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố cho rằng, nhờ công khai minh bạch, nên các DN khi đến đăng ký đầu tư, dù được hoặc không đều vui vẻ ra về. “Sở KH&ĐT công khai các thủ tục về đất, giá đất, ngoài ra, năm 2014, chúng tôi triển khai 7 chương trình hỗ trợ DN như cho vay vốn, bảo lãnh vốn, mặt bằng sản xuất…”.
Ông Sơn cũng cho hay, Sở KH&ĐT cũng rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho DN từ 2 – 3 ngày so với quy định của Bộ KH&ĐT vì đối với DN, thời gian của họ là vàng bạc. “Chúng tôi quán triệt với cán bộ, không rườm rà, chây ì. Không gây khó dễ lằng nhằng để vòi vĩnh phong bì.
Làm một cái thủ tục mà đi qua mấy cửa, đóng mấy con dấu rồi phải chờ thời gian dài thì DN lắc đầu bỏ đi là phải”. Vì thế, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đứng ra làm đầu mối kết nối với tất cả các ban ngành còn lại như thuế, hải quan, TN&MT, Xây dựng… để giúp cho DN chỉ còn “một cửa” làm thủ tục.
Ngoài ra, các loại giấy tờ, thủ tục khác cũng rất đơn giản vì hiện Đà Nẵng đã có Trung tâm hành chính, đến một nơi có thể làm việc với hầu hết Sở, ban ngành.
Chấp pháp - đó là cách DN “chiều” lại chính quyền
Triển khai thành công “Năm doanh nghiệp 2014” và kết quả là sự hài lòng của đa số DN, nhưng ông Võ Duy Khương cho rằng, Đà Nẵng còn phải năng động hơn nữa. “Không được hài lòng rồi đứng yên”, ông Khương nói.
Song song với việc chính quyền cần năng động hơn, ông Khương cũng cho rằng, kết quả tốt cần phải có nỗ lực từ hai phía. “Hai bên phải đòi hỏi nhau. Cộng đồng DN đòi hỏi chính quyền năng động, minh bạch, bớt thủ tục… thì cái mà chính quyền đòi hỏi lại từ DN chỉ có 2 từ: chấp pháp”.
Theo ông Khương, DN phải thấy rõ trách nhiệm của mình để xây dựng thành phố. Việc chấp pháp thể hiện bằng cách nộp thuế đúng, đủ và làm ăn minh bạch. “Vẫn còn nhiều DN trốn thuế hoặc chây ì nộp. Đặc biệt, có DN được hỗ trợ phương tiện, đất đai khi được giao mặt bằng rồi lại để hoang hoặc cho thuê lại.
Ngoài ra, một số DN trốn thuế, làm báo cáo lên thấy toàn kê khai lỗ đến lỗ nặng. Nhưng khi làm hồ sơ lên Quỹ hỗ trợ vay vốn thành phố lại thấy lãi to. Như vậy là không được”, ông Khương nói.
Trong năm 2014, thành phố đã thu hồi 20 dự án với diện tích 13,4ha và đã được bố trí lại cho 23 doanh nghiệp. Hiện nay, các khu đất còn trống đã có hạ tầng trong các khu công nghiệp hiện còn trên 80ha, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo thành phố, sau 10 năm Đà Nẵng có 14.942 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 73.851 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần về số lượng DN và tăng 9,8 lần về tổng vốn so với năm 2004, nộp thuế trên 9.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2004 với mức tăng trưởng bình quân khoảng 16%/năm. Đặc biệt, khối DN dân doanh đã đóng góp lớn nhất vào nguồn thu ngân sách thành phố, trên 2.200 tỷ đồng năm 2014, gấp 10,3 lần so với năm 2004, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.