Khiếp sợ bạo lực học trò

Thứ sáu, ngày 12/03/2010 13:28 PM (GMT+7)
NTNN - Chỉ vì “nhìn đểu”, “mách cô giáo” dẫn tới xích mích tình cảm, nhiều học sinh phổ thông đã lao vào đánh đấm, thậm chí giết bạn... trong sự bất lực của nhà trường.
Bình luận 0

img

Từ thành thị...

Ngày 10-3, nhiều trang web đăng tải clip một nữ sinh xông vào đánh đập dã man một nữ sinh khác (túm tóc, đánh, đấm vào mặt, vào người đòi lột áo...) tại khu vực một vườn hoa ở Hà Nội.

Trong khi đó, một nhóm học sinh mặc đồng phục, đeo cặp thản nhiên ngồi xem. Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng công tác HS-SV tìm hiểu và làm rõ số học sinh trên là của trường nào để xử lý.  

Theo ông Mai Sỹ Nhật -  Trưởng phòng Công tác HS-SV Sở GD&ĐT Hà Nội, thống kê 5 năm qua cho thấy trên địa bàn thành phố có hàng chục vụ bạo lực học đường, đâm chém nhau giữa các học sinh, gây mất an ninh trật tự trường học.

Trong đó, các vụ có sự tham gia của nữ sinh chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đáng chú ý là vụ một nữ sinh Trường THPT Xuân Mai, vì chuyện yêu đương tuổi học trò đã dùng dao nhọn đâm chết bạn ngay tại trường. Thương tâm hơn cả là vụ một học sinh THCS ở huyện Thường Tín giết chết em mình chỉ vì thiếu tiền chơi game... 

Nguy hiểm hơn, một số học trò còn đánh cả cô giáo, giáo sinh thực tập. Một SV năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư (xin được giấu tên) đã sốc trước thái độ của một nữ sinh tại một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy trong buổi ra mắt thực tập.

Cô vừa bước vào lớp thì em này đứng dậy hét lớn: “Tao chưa thấy con thực tập nào bé như con này!!!”. Tiếp đó là những tràng cười đầy phấn khích của cả lớp... Tình hình căng thẳng hơn khi một trong số những cô giáo thực tập “trót” nghiêm khắc khi yêu cầu một nữ sinh đứng lên hát trong giờ học nhạc.

Ngay khi vừa về đến nhà, cô SV thực tập liền nhận được hàng loạt cuộc điện thoại, tin nhắn lăng mạ, doạ đánh, giết của những người (cả nam và nữ) tự xưng “đàn em” của chị X. Cuối cùng, để yên ổn, giáo sinh này đành... xin lỗi cô học trò nọ.

... tới nông thôn

Trên một số diễn đàn mạng có thông tin cho rằng 2 nữ sinh trong clip “tra tấn” nhau đều học tại Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tuy nhiên, trao đổi với PV , bà  Lê Thị Minh Hằng - Hiệu phó nhà trường, cho biết:  "Sau khi giáo viên kiểm tra lại thông tin thì không có học sinh nào của trường tên như các diễn đàn phản ánh. Giáo viên cũng khẳng định 2 nữ sinh đánh nhau đó không phải học sinh lớp mình.

Bạo lực học trò ở nông thôn ít được biết tới có lẽ một phần vì... không ai quay video clip, song không phải vì thế mà kém thành thị.

Tại Sóc Trăng, ngay sau Tết đã nổi lên khá nhiều vụ đình đám mà mới nhất là vụ vừa xảy ra tối ngày 6-3. Tại lễ khánh thành ngôi chánh điện chùa Dơi (phường 3, TP. Sóc Trăng), một học sinh lớp 12 của Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương đã bị đâm trọng thương bằng 3 nhát dao.

Theo bạn bè của học sinh này, có thể do mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày nên trong lúc đi chơi, em này bị “đối phương” phục kích.

Trước đó, trưa ngày 25-2, tại Trường THPT Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng)  Trần Văn Hiền (học sinh lớp 10A16) mang dao vào trường, đâm một nhát vào ngực trái Nguyễn Văn Hóa (lớp 10A20) khiến em này bị thương nặng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, em Hoá đã tử vong. 

Theo tìm hiểu của PV, Hiền đâm Hóa do có mâu thuẫn từ trước và nguyên nhân chính là cả hai cùng có tình cảm với một nữ sinh lớp 10 trong trường.

Thống kê tại một địa chỉ... tầm tầm như Trường THPT Lê Lợi (TP. Sóc Trăng), năm học trước đã có trên 70 học sinh bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có em bị đuổi học một năm, bị truy tố vì hành vi dùng búa chém bạn tại sân trường.

Trong số này, khá nhiều học sinh là nữ, các em đánh nhau nhiều khi chỉ vì những lý do... lãng xẹt: Đi ngang qua lớp học, thấy có “đứa” nhìn mình nhưng không quen biết, nên đánh “cho biết thế nào là lễ độ”.

Cô N.T.H - giáo viên ở huyện Yên Lạc (Hoà Bình) kể, một trong những lý do phổ biến khiến nữ sinh đánh nhau là... mách lẻo với cô giáo và... cản đường bạn đi. “Mới đây nhất là vụ một học sinh nữ dắt xe ra thì bị bạn khác đứng cản đường. Nói qua nói lại 2-3 câu đã thấy các em xông vào đánh nhau. Hội đồng kỷ luật họp, cả hai đều bị hạnh kiểm yếu”.

Giá trị bị đảo lộn?

Trước video clip này đã có nhiều vụ nữ sinh đánh nhau theo kiểu hội đồng bị phát tán trên mạng. Riêng năm 2009 đã xảy ra ít nhất 10 vụ: Học sinh lớp 10b1 Bảo Lộc (Lâm Đồng) đánh nhau ngoài đường; Vụ nữ sinh  Hà Nội (chưa rõ trường nào) đánh bạn trong nhà vệ sinh vì không cho nhìn bài; Nữ sinh Lào Cai đánh bạn trong đợt tập quân sự; Nữ sinh trường THPT thuộc tỉnh Phú Thọ đánh bạn bằng giày cao gót; một đoạn video clip không rõ nguồn gốc quay cảnh một nữ sinh bị bạn trai đánh, lột áo giữa thanh thiên bạch nhật... 

Theo các nhà tâm lý, hiện có một xu hướng giá trị ngược len lỏi và tồn tại trong các trường học. Những em nữ sinh càng học giỏi, càng ngoan, càng hiền hoặc làm cán sự lớp trở thành thứ đáng phải tẩy chay, thậm chí đáng... đánh. Và thay vì “nữ sinh thanh lịch” hay “áo trắng ngoan hiền”, những danh hiệu như “hot girl”, “sành điệu”, “nữ tướng”... trở thành cái đích mà nhiều em “mơ” tới. Vô hình trung, cá tính (vẫn bị nhiều nữ sinh nhầm lẫn là côn đồ) thành một thứ “mốt” mới trong giới trẻ học đường.

Trao đổi với NTNN về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ: “Xuất phát điểm của nữ sinh côn đồ là những học sinh năng động. Nhưng vì sân chơi bây giờ thiếu quá, các em không có chỗ để khẳng định mình nên lấy việc gây gổ, đánh nhau làm cách khẳng định. Sự năng động trong các em giống như một nguồn nước, nếu chảy đúng qua tua bin thì thành điện có ích, nếu chảy lung tung thì tạo ra lũ lụt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem