Phải mất 2 ngày để tìm thuê người và mất thêm từ 6-8 giờ đồng hồ quay trục bằng tay mới có thể đóng cống xong, lúc này nước mặn bên ngoài sông đã tràn vào nội đồng bên trong.
Mất 6-8 giờ để vận hành
Ông Nguyễn Hoàng Lâm ngụ ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ nói: “Mỗi lần muốn mở hoặc đóng cống phải cần đến 2 người khoẻ mạnh đứng phía trên cống nắm trục quay liên tục khoảng 8 giờ mới xong. Do vận hành “siêu chậm” nên nước ra vào như không có cống, mặn tràn vào trở tay không kịp”.
Cống ngăn mặn ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ phải vận hành bằng tay. Ảnh: Huỳnh Xây
Theo UBND xã Vĩnh Viễn A, cống ngăn mặn trên chưa được chủ đầu tư công trình bàn giao cho chính quyền địa phương nên khi muốn vận hành, chính quyền địa phương phải xin ý kiến, rồi mới đi thuê 2 người (200.000 đồng/người) đứng trực, dùng tay quay trục kéo nắp cống xuống hoặc lên. “Thời gian vận hành cống quá lâu nên mỗi lần đóng nắp, nước mặn đã tràn vào nội đồng hàng cây số” - anh Nguyễn Thành Lễ - cán bộ tổ kỹ thuật thuộc UBND xã Vĩnh Viễn A nói.
Dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh được triển khai trong giai đoạn 2009-2015, có vốn đầu tư ban đầu là 688 tỷ đồng bảo vệ sản xuất cho trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, đã phải giảm xuống chỉ còn 425 tỷ đồng. Đến nay, dự án còn 30km chưa hoàn thành.
|
Không chỉ xảy ra ở địa bàn xã Vĩnh Viễn A, các cống ngăn mặn ở các địa phương nằm trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh (dài khoảng 70km, đi qua địa bàn TP.Vị Thanh và các xã Thuận Hòa, xà Phiên, Lương tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A… của huyện Long Mỹ) và một số địa phương khác trong tỉnh đều có quy trình đóng mở nắp bằng cách quay tay.
“Do quy trình đóng mở cống quá lâu nên đã gây ra nhiều bất tiện trong công tác ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và bất ngờ như hiện nay. Ở một số cống, địa phương đã cho đóng hẳn và vận động người dân lấy nước từ các kênh nội đồng khác để vận chuyển hàng hoá, nông sản ra ngoài” – ông Lê Hồng Việt – Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Mỹ nói.
Công trình mới nhưng thiết kế cũ
Theo phóng viên tìm hiểu, tỉnh Hậu Giang có đến 30 cống vận hành bằng cách quay tay. Ngoài việc không ngăn được mặn xâm nhập kịp thời, hệ thống cống này còn làm cho người dân thất vọng khi đó lại là tác nhân gây trữ phèn lại trong nội đồng.
Về vấn đề trên, anh Nguyễn Thành Lễ lý giải: Khi cống đóng, mở ì ạch, lượng phèn trong đất ruộng xì ra, ứ mãi không rửa trôi kịp, sẽ làm cho cây lúa bị ngộ độc. Đặc biệt là trong vụ hè thu dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước và thời tiết.
“Cách vận hành của các cống trên là không hợp lý, đóng được cống thì mặn đã luồn vô nội đồng rồi. Trước thực trạng trên tôi vô cùng lo lắng vì độ mặn được đo ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang tăng đột biến, có nơi lên đến hơn 10‰” – ông Lê Phước Đại – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang thông tin.
Vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh Hậu Giang có 1.200ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Tuy nhiên, diện tích này đáng ra phải ít hơn nếu không có lỗi trong việc thiết kế vận hành các cống ngăn mặn trên.
Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Các cống ngăn mặn trên có kinh phí xây dựng là 3 tỷ đồng/cống. Sở dĩ được thiết kế vận hành bằng cách quay tay là do thời điểm thi công công trình không có đường điện đi qua. Hơn nữa, nếu dùng động cơ điện theo thiết kế mới thì phải có dây xích treo, khó đảm bảo an toàn”.
Được biết, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục tình trạng bất cập trên trong thời gian sớm nhất có thể, nhằm đảm bảo các cống đóng, mở dễ dàng. “Theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ làm thí điểm, lắp đặt thêm hệ thống động cơ điện ở một vài cống. Nếu có hiệu quả sẽ làm ở các cống còn lại” – ông Hùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.