Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), hiện nay đã có hơn 90 quốc gia và tổ chức phi chính phủ sử dụng phương tiện bay và máy bay không người lái UAV, trong đó tập trung chủ yếu vào các hoạt động: xâm nhập tàng hình, trung chuyển thông tin, thu thập tin tức tình báo, tác chiến trên không. Trong đó, nhiệm vụ tác chiến trên không được tập trung phát triển hơn cả. Do đó, trước các mối đe dọa từ UAV, nhiều nước buộc phải đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật chống UAV, đi đầu là các nước Mỹ, Anh, Đức, Italia.
Phương thức then chốt chống UAV
Trên chiến trường tương lai, yêu cầu nhiệm vụ tác chiến chống UAV sẽ không ngừng gia tăng, dưới những tác động và thúc đẩy của yêu cầu tác chiến cùng với sự phát triển công nghệ, kỹ thuật chống UAV được hợp thành bởi 4 phương thức đó là: Phương thức thăm dò, theo dõi và cảnh báo sớm, phương thức phá hủy, phương thức gây nhiễu, phương thức ngụy trang đánh lừa.
- Phương thức thăm dò, theo dõi và cảnh báo sớm: Chủ yếu bao gồm công nghệ trinh sát ảnh mặt đất, công nghệ phát hiện, theo dõi bằng rađa, công nghệ cảnh báo sớm trên không và công nghệ trinh sát vệ tinh. Các thiết bị trinh sát ảnh mặt đất, radar, máy bay cảnh báo sớm trên không và vệ tinh tiến hành thăm dò, phát hiện theo dõi và cảnh báo sớm sự xuất hiện UAV, nhằm cung cấp hỗ trợ thông tin tình báo quan trọng cho các hoạt động tác chiến chống UAV.
- Phương thức gây nhiễu: Với các thiết bị đối kháng quang học, gây nhiễu thông tin điều khiển và gây nhiễu cơ sở dữ liệu. Những trang bị này sẽ làm vô hiệu hóa hệ thống điều khiển, lái tự động, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống động lực của UAV, từ đó làm chúng suy giảm thậm chí mất đi công năng chính.
- Phương thức ngụy trang đánh lừa: Thông qua tiến hành ngụy trang phù hợp các mục tiêu quan trọng, làm giảm hiệu suất và hiệu quả theo dõi giám sát của UAV đối phương để giảm thấp hiệu quả tác chiến của chúng.
- Phương thức phá hủy: Thông qua việc sử dụng vũ khí laze, vũ khí viba, kỹ thuật UAV chống UAV và phá hủy bằng hỏa lực thông thường. Trang thiết bị vũ khí chống UAV sử dụng những thông tin tình báo do hệ thống trinh sát, tình báo cung cấp để lựa chọn phương án phù hợp, sau đó sử dụng chiến thuật hợp lý, tiêu diệt UAV bằng hỏa lực tức thời.
Hệ thống “Drone Defender”. Ảnh: Technabob
Một số hệ thống chống UAV điển hình hiện nay
- Hệ thống “Drone Defender”: Hệ thống đánh chặn UAV “Drone Defender” do Công ty Battalle của Mỹ sản xuất, là một hệ thống phóng điện chống UAV hạng nhẹ, vác vai, dễ thao tác. Hệ thống “Drone Defender” có thể an toàn ngăn chặn những UAV khả nghi hoặc có chủ ý xâm nhập vùng trời với số lượng lớn. Hệ thống “Drone Defender” sử dụng công nghệ gây nhiễu tần số điều khiển bằng sóng radio, có thể an toàn chặn đứng UAV trên không trước khi chúng gây nguy hiểm tới an ninh quân sự hoặc dân sự.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này là gây nhiễu đường liên kết giữa UAV và người điều khiển ở cự ly xa, khiến cho UAV “nghĩ rằng” chúng đã bay khỏi phạm vi kiểm soát của người điều khiển. Khi đó UAV sẽ chuyển sang chế độ giao thức an toàn, từ đó khiến UAV tự động chuyển sang chế độ giao thức an toàn bay lượn vòng, hạ cánh hoặc bay trở lại nơi người điều khiển UAV.
- “Hệ thống phòng thủ C-UAV”: Đây là chương trình được phát triển bởi 3 công ty của Anh gồm Blighter Surveillance Systems, Chess Dynamics và Enterprise Control Systems. “Hệ thống phòng thủ C-UAV” hoạt động dựa trên nguyên lý dùng radar và thiết bị quang học định vị chính xác vị trí mục tiêu là các UAV, sau đó phát sóng vô tuyến gây nhiễu công suất lớn định hướng, cắt đứt sự kết nối giữa UAV với thiết bị điều khiển từ xa. Khi UAV nhận được tín hiệu gây nhiễu phát ra khiến chúng liền trở nên “cứng nhắc”, không thể phán đoán được phương hướng, do đó bị “đóng băng” trên không, sau đó các UAV cạn pin và rơi xuống đất.
Hệ thống “Drone Guard”. Ảnh: KMIF
- Hệ thống tác chiến điện tử “Giraffe”: Là sản phẩm của Công ty Saab/Thụy Điển, với khả năng sử dụng giải tần sóng linh hoạt AMB, giúp cho Giraffe vừa có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không ở chế độ thông thường, vừa có thể phát hiện, thăm dò, phân loại và theo dõi UAV cỡ nhỏ bay tầm thấp hoặc tốc độ bay chậm. Đại diện của Saab cho biết, thử nghiệm đã chứng minh Giraffe có thể đồng thời đối phó với 6 - 100 UAV mục tiêu có tiết diện phản xạ radar chỉ khoảng 0,001m2 trong môi trường tác chiến phức tạp.
- Hệ thống “Drone Guard”: Được nghiên cứu, phát triển bởi Công ty công nghiệp hàng không Israel, chuyên dùng để phát hiện, nhận biết và gây nhiễu UAV. Drone Guard sử dụng các radar 3D của hãng ELTA, bao gồm radar ELM-2026D, radar ELM-2026B, radar ELM-2026BF có khả năng phát hiện UAV ở các khoảng cách lần lượt là 10km, tầm trung 15km và tầm xa 20km.
Sau đó, Drone Guard sử dụng thiết bị gây nhiễu cao tần khiến cho tín hiệu dẫn đường vệ tinh toàn cầu hoặc tín hiệu điều khiển từ sở chỉ huy bị gián đoạn, từ đó khiến UAV không thể nào biết được vị trí của mình, nên sau khi mất điều khiển không thể nào quay trở lại điểm cất cánh ban đầu, buộc chúng rơi xuống đất.
Lam Ngọc (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.