Không chảy máu không có tiền

Thứ tư, ngày 13/04/2011 11:26 AM (GMT+7)
Chúng tôi có mặt tại xã An Phú, huyện Thuận An, Bình Dương vào giữa trưa, âm thanh “loảng xoảng” khô khốc từ những tấm kính bị vỡ nát cứ làm sởn cả gai ốc...
Bình luận 0

Những “công nhân” cả người đàn ông lẫn phụ nữ đang cặm cụi nhặt những tấm kính nằm ngổn ngang dưới đất và đập vỡ chúng bằng những cây búa đinh. Đó là công việc mưu sinh hằng ngày của họ, những người đến từ các vùng quê nghèo.

Đập và nhặt kính vỡ

img

Anh Cường và những vết thương do kính vỡ gây ra

Xã An Phú cách trung tâm TP.HCM hơn 20km, nơi đây là khu vực tập trung các điểm thu mua phế liệu, các loại kính vỡ để bán lại cho các nhà máy, xí nghiệp tái chế.

Chị Hứa Thị Mùi, 45 tuổi, quê ở An Giang cho biết:

“Vợ chồng tôi làm nghề đập kính này được 5 năm rồi, ngày trước ở dưới quê làm lúa mỗi năm 2 vụ nhưng chẳng lo nổi cái ăn, nên khăn gói lên đây làm nghề này.

Nói chung thu nhập của 2 vợ chồng tôi cộng lại khoảng hơn 140.000 đồng/ngày cũng đủ lo cho cuộc sống”. Vừa nói chị vừa đưa miếng kính lên và nện xuống những nhát búa nghe chan chát, những mảnh kính nhỏ bay tung tóe khắp nơi.

Với đôi bao tay bảo hộ rách lỗ chỗ được vá víu bằng những lớp giấy và băng keo, bàn tay của chị cứ thoăn thoắt hốt những mảnh kính vỡ tan cho vào bao tải để cuối ngày đem giao cho đại lý.

Chúng tôi hỏi chị sao lại chọn công việc phải đối mặt với những tấm kính vỡ sắc nhọn này, chị Mùi cười, nói: “Làm cái nghề này hầu hết là những người lớn tuổi, có xí nghiệp nào dám nhận đâu? Làm riết rồi quen, việc bị kính cắt vào tay vào người là bình thường. Mấy tụi tui cứ ngồi nói đùa với nhau, làm nghề này “không chảy máu khó có tiền”.

Bỏ đôi bao tay xuống đất, chị vén tay áo cho chúng tôi xem những vết sẹo ngang, dọc là “thành quả” của chị sau những năm tháng mưu sinh với những mảnh kính sắc nhọn. “Cái nghề này đòi hỏi phải cẩn thận, sơ sảy một tí là bị thương liền. Tôi thì thấm tháp gì, thằng Cường làm chung vừa rồi sơ ý bị mấy tấm kính đổ ụp lên người, cắt rách tai, rách cổ. Giờ đang nằm ở nhà trọ phía bên kia đường kìa” - chị Mùi nói.

Kính vỡ, người cũng “vỡ”

Theo hướng dẫn của chị Mùi, chúng tôi tìm đến căn nhà trọ tồi tàn, nơi anh Hồ Quang Cường thuê ở. Theo anh Cường, tai nạn xảy ra vào đầu tháng 3, anh cho chúng tôi xem những vết thương của mình và kể lại:

“Hôm đó, tôi bị mấy tấm kính đổ lên người khi đang ngồi hốt những mảnh kính vụn. Bác sĩ cho biết, vành tai bị kính cắt, phần cổ bị kính cắt vào tĩnh mạch, mất máu rất nhiều. Mấy người làm chung đưa tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện 512, tỉnh Bình Dương. Qua đợt điều trị vừa rồi hết 10 triệu đồng, tôi phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền trả viện phí”.

img

Chị Hứa Thị Mùi: “không chảy máu khó có tiền”

Những người mà chúng tôi tiếp xúc như chị Hứa Thị Mùi, anh Hồ Quang Cường, họ đều có những lý do khác nhau để giải thích cho việc mình phải mưu sinh trên kính vỡ. Nhưng tựu lại chỉ có một điểm chung duy nhất là họ chấp nhận những hiểm nguy để lo cho “miếng cơm manh áo” của bản thân.

Ở xã An Phú có đến hàng chục điểm thu mua phế liệu như thế này. Số lao động làm thuê tại đây cũng đến vài trăm người, phần lớn họ đến từ các tỉnh miền Tây và miền Trung.

Theo TT & VH
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem