Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho VTV biết: “Quy định tại điều 79 Nghị định 46 có bổ sung thêm đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt được sử dụng các trang thiết bị nghiệp vụ theo quy định pháp luật là nguồn cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Nhưng không có quy định nào clip từ người dân đưa cho CSGT là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo thượng tá Bình, nguồn cung cấp thông tin khi gửi đến lực lượng chức năng phải được xác minh theo đúng quy định Luật xử lý vi phạm hành chính.
Từ clip người dân đưa lên mạng xã hội, CSGT đã xử phạt 8,5 triệu đồng xe khách chạy ngược chiều cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Ông Bình cũng cho hay: “Trong Luật xử lý vi phạm hành chính, công dân và tổ chức có quyền phát hiện tố cáo vi phạm hành chính. Còn trong lĩnh vực giao thông, nếu người dân gửi thông tin đến CSGT thì chúng tôi phải xác minh. Khi có đủ tài liệu khẳng định vi phạm và lập biên bản mới xử lý được”.
Trước đó, trao đổi với Dân Việt, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết hình ảnh, clip người dân, cơ quan báo chí phản ánh khi cung cấp cho cơ quan công an sẽ được coi là nguồn tin.
Từ nguồn tin này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ, khi có đầy đủ chứng cứ theo quy định pháp luật, cơ quan công an sẽ lập biên bản và ra quyết định xử lý.
Đối với những thông tin người dân cung cấp về tình trạng vi phạm giao thông, thiếu tá Hùng cho biết, cơ quan công an khuyến khích người dân ghi lại nhưng hiện chưa có quy định thưởng tiền cho người gửi.
Người dân có thể gửi các hình ảnh, clip ghi lại hành vi vi phạm giao thông cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gửi về địa chỉ Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội (86 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm).
Nghị định 46/2016 sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực từ 1.8, trong đó quy định tăng mức phạt tiền với 194 hành vi vi phạm giao thông (gồm 153 hành vi trên đường bộ và 41 hành vi trên đường sắt).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.