Lập quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế Nghi Sơn
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 17296/UBND-CN gửi Sở Xây dựng; Ban quản lý (BQL) KKT Nghi Sơn và các KCN về việc tổ chức lập quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Theo đó, thống nhất với đề nghị của Sở Xây dựng, đồng ý xem xét, phê duyệt nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chinh các quy hoạch phân khu khu công nghiệp có thuận lợi giao thông (đã được đầu tư xây dựng), có khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020, như sau:
Các phân khu công nghiệp dọc Quốc lộ 1A, bao gồm: Phân khu công nghiệp CN-05 (diện tích khoảng 562 ha) và CN-1 1 (diện tích khoảng 567 ha).
Các phân khu công nghiệp dọc đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn, bao gồm: Phân khu công nghiệp CN-20 (diện tích khoảng 786,9 ha), CN-1 7 (diện tích khoảng 782 ha).
Đối với các phân khu còn lại, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thực hiện các nội dung công việc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo lập quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế Nghi Sơn theo các giai đoạn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính BĐT
Với mong muốn hợp tác cùng phát triển, tỉnh Thanh Hóa nói chung, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) nói riêng luôn sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ lúc bắt đầu tìm hiểu đến khi triển khai xây dựng cũng như xuyên suốt quá trình hoạt động.
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước nên công tác CCHC được lãnh đạo Ban quan tâm chỉ đạo, bám sát thực hiện tiêu chí “4 tăng, 2 giảm và 3 không” và mục tiêu xây dựng “Cơ quan hành chính phục vụ”, thực hiện giảm từ 30 - 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định (có TTHC giảm đến 90% thời gian).
Công tác quản lý và xúc tiến đầu tư luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với KKT Nghi Sơn. Được biết, ngay từ đầu năm 2019, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư tạo tiền đề đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; tham gia đoàn công tác của tỉnh đến các nước để xúc tiến, kêu gọi đầu tư; đồng thời tích cực đấu mối, cung cấp thông tin và giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư với các tập đoàn, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Ban quản lý đã phối hợp, chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Liên bang Nga; cung cấp thông tin về KKT, KCN cho cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA). Chuẩn bị cập nhật thông tin, tài liệu, biên soạn, in đĩa DVD bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Hàn Quốc, Nhật và tiếng Trung Quốc phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các KCN phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019. Chủ động đấu mối và liên tục hỗ trợ các nhà đầu tư qua công văn, email, điện thoại để cung cấp thông tin về quy hoạch, địa điểm đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư tại KKT Nghi Sơn và các KCN; đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 5.665,28 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 0,43 triệu USD. Điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, chấm dứt hoạt động 7 dự án.
Phát triển dịch vụ logistics
Nhà máy lọc hóa dầu tại KKT Nghi Sơn đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.
Dịch vụ logistics là tên gọi chung cho một nhóm nhiều loại dịch vụ khác nhau, là một quá trình gồm một chuỗi các hoạt động có liên quan, có tác động qua lại lẫn nhau, như: Dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải đa phương thức... Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, KKT Nghi Sơn nói riêng và các phương thức vận tải đối với lĩnh vực hàng hải; phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải, phát huy lợi thế của cảng biển. Trên địa bàn tỉnh, logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ.
Theo thống kê của Sở Giao thông – Vận tải (GTVT): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 26 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics còn thiếu và yếu. Khi cảng biển tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics sẽ là sự tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong cung cấp dịch vụ logistics.
Trong quá trình xây dựng, phát triển, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định là khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, phát triển của KKT Nghi Sơn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Cảng nước sâu Nghi Sơn đã và đang được đầu tư hiện đại, là một trong những cảnh nước sâu lớn nhất Bắc Trung Bộ.
KKT Nghi Sơn có Cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Cảng Nghi Sơn đã và đang được đầu tư xây dựng, có 19 bến đã đi vào hoạt động; trong đó, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương, có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp trọng tải đến 60.000 DWT; 4 cầu cảng tổng hợp Quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU (tương đương trọng tải 30.0000 - 40.000 DWT)...
Với những lợi thế, tiềm năng phát triển tại khu vực này và được sự ủng hộ của tỉnh, Tập đoàn CMA CGM, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn. Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng hóa vận chuyển bằng container chưa tương xứng với năng lực tiếp nhận tàu của cảng. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là làm hàng gia công và sản xuất xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giầy da nên việc chỉ định giao hàng xuất nhập khẩu đến và đi tại cửa khẩu do đối tác nước ngoài quyết định.
Với hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển cần nguồn lực lớn, do đó trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), nguồn vốn tư nhân và vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...). Đồng thời, quy hoạch phát triển, mở rộng Cảng biển Nghi Sơn về phía Bắc.
Đi đôi với việc quy hoạch phát triển và đầu tư hạ tầng cảng biển, nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Cảng Nghi Sơn với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 11 km theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10-9-2009. Sở GTVT cũng sẽ tập trung nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trở thành ngành dịch vụ chủ lực.
KKT Nghi Sơn đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ những lợi thế về giao thông và ưu đãi trong đầu tư.
Chú trọng bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm
Về công tác quản lý doanh nghiệp, lao động và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm được Ban quản lý thực hiện chặt chẽ. Cụ thể như: Phân công cán bộ phụ trách nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài… tại các doanh nghiệp và nhà thầu trong KKT Nghi Sơn và các KCN; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn KKT và các KCN tổ chức các hoạt động treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích… hưởng ứng Tháng an toàn, vệ sinh lao động, hội nghị đối thoại tháng công nhân năm 2019.
Với tinh thần “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Ban Quản lý KKT Nghi Sơn luôn chủ động tiếp cận, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, để KKT Nghi Sơn luôn là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.