Lực lượng đặc nhiệm Nga tại Crimea - Ảnh: Reuters
Một trong những yếu tố đang được xét đến là sự “tiếp tay” của Đức và một số nước phương Tây, theo một bài phân tích trên tờ The Daily Beast (Mỹ).
Trong vụ khủng hoảng Ukraine, cả thế giới đều bất ngờ trước sự “lột xác” toàn diện của các lực lượng đặc nhiệm Nga. Trang bị công nghệ hiện đại hơn và năng lực tác chiến đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là an ninh chiến dịch được giữ bí mật hầu như tuyệt đối, làm cho cả cộng đồng tình báo Mỹ cũng phải lúng túng.
Các quan chức chính phủ và Quốc hội Mỹ ở Washington hiện đang tự hỏi Nga đã được hưởng lợi bao nhiêu từ sự hợp tác quân sự với các nước phương Tây.
Công đầu thuộc về ĐứcVào năm 2011, Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức đã ký hợp đồng trị giá 140 triệu USD để xây dựng một Trung tâm huấn luyện tác chiến mô phỏng ở Mulino thuộc vùng tây nam của Nga. Trung tâm này có khả năng huấn luyện đến 30.000 binh sĩ Nga mỗi năm.
Mặc dù dự kiến đến cuối năm nay trung tâm mới được xây dựng xong, nhưng giới chức Mỹ tin rằng người Đức đã giúp Nga huấn luyện lực lượng từ nhiều năm trước. Vì ngay cả sau khi binh sĩ Nga đã tiến vào Crimea, Tập đoàn Rheinmetall vẫn ra sức bảo vệ dự án của họ. Mãi đến cuối tháng 3.2014, chính phủ Đức mới đình chỉ dự án nói trên.
Một số quan chức chính phủ Mỹ không hài lòng với cách xử lý của Đức trong thương vụ này. Và quan ngại rằng các đơn vị đặc nhiệm thuộc Cục Tình báo Quân sự (GRU) của Nga đã được hưởng lợi từ hợp đồng huấn luyện với Đức. Đơn vị đặc nhiệm của GRU được cho là đứng sau phong trào ly khai ở Crimea.
"Rất đáng tiếc là các công ty Đức đã trực tiếp hỗ trợ và huấn luyện quân đội Nga ngay cả khi xảy ra các cuộc tấn công chống lại Ukraine", một quan chức cao cấp của Thượng viện Mỹ nói với tờ The Daily Beast.
Theo vị quan chức này thì chính phủ Mỹ cần kêu gọi các đồng minh NATO ngừng ngay mọi hợp tác quân sự với Nga cho đến khi cuộc khủng hoảng Ukraine chấm dứt.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) thì đối tác của Rheinmetall trong thương vụ nói trên chính là Công ty Oboronservis trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Và trung tâm huấn luyện được xây dựng theo mô hình được xem là tiến tiến nhất trên thế giới của quân đội Liên bang Đức.
Reinmetall xem hợp đồng này như là thương vụ đầu tay mở đường cho một số dự án lớn hơn trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng và trang thiết bị của Nga, báo cáo cho biết thêm.
Giới chức Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng khi nhìn lại quá trình hợp tác giữa Đức và Nga. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng tình báo Mỹ tin rằng khá nhiều binh sĩ Nga được Đức huấn luyện đã tham gia lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của GRU, là các binh sĩ không phù hiệu từng xuất hiện ở Crimea. Tập đoàn Rheinmetall giữ im lặng trước những thông tin này.
"Các quan chức Lầu Năm Góc rất tức giận khi đề cập đến việc người Đức đào tạo nhân lực cho Spetznaz", một quan chức tình báo Mỹ nói với The Daily Beast.
Sự “yếu lòng” của phương TâyThật ra, ngoài Đức, Nga vẫn luôn duy trì hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhiều quốc gia NATO khác. Quân đội của những nước này cũng thỉnh thoảng hợp tác với các đối tác Nga trong nhiều năm qua. Cả Đức và Mỹ đều đã tập trận chung với Nga. Mỹ đã từng mua trực thăng của Nga để sử dụng ở Afghanistan. Và Moscow cũng cho phép khí tài quân sự của NATO được trung chuyển qua lãnh thổ của mình.
Vì thế, báo cáo của CSR phải thừa nhận rằng “Trung tâm huấn luyện của Rheinmetall nên được xem xét trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương rộng lớn hơn giữa Đức và Nga. Và nó cũng phù hợp với chính sách hợp tác quân sự lâu dài của Đức với các nước đối tác”.
Theo ước tính, trong năm 2013, Đức đã xuất khẩu gần 50 tỉ USD hàng hóa sang Nga. Hàng trăm ngàn việc làm tại Đức phụ thuộc ít nhiều vào quan hệ thương mại với Nga.
Nhưng một số quan chức Quốc hội Mỹ xem dự án của Rheimetall như là một trong nhiều ví dụ về sự “yếu lòng” của một số nước phương Tây trước những hợp đồng quốc phòng béo bở với Nga. Đặc biệt là sau khi Tổng thống Obama tuyên bố chính sách "làm lại từ đầu" với Nga.
Các nhà lập pháp Mỹ đã cố gắng ngăn chặn thương vụ bán tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp cho Hải quân Nga. Đồng thời cũng thất vọng với việc Ý bán xe bọc thép chở quân Lynx cho nước này.
Theo một quan chức cao cấp của Thượng viện Mỹ thì Rheinmetall đã có công lớn trong việc nâng cấp thiết bị cho quân đội Nga và GRU. Báo cáo cho thấy các đơn vị quân sự của Nga ở Crimea đang xài “hàng mới” như thiết bị viễn thông, áo giáp, vũ khí cá nhân và đạn dược. Nhờ vậy, quân Nga có một lợi thế chiến thuật rất lớn trước các lực lượng vũ trang Ukraine.
Tự trách chính mìnhCác quan chức quốc phòng Mỹ đều thừa nhận rằng sự thay đổi diện mạo của quân đội Nga là kết quả của một chiến lược dài hạn chứ không phải là một sớm một chiều.
Phó Đô đốc Frank Pandolfe, Giám đốc chính sách và kế hoạch chiến lược của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã nói với Quốc hội Mỹ rằng, trong những năm gần đây Nga đã thành lập các Bộ tư lệnh khu vực để "phối hợp và đồng bộ hóa việc lập kế hoạch, hợp nhất các quân binh chủng, triển khai lực lượng, hỗ trợ tình báo, và sử dụng các đơn vị đặc nhiệm". Các cuộc tập trận và diễn tập “chớp nhoáng” là để thử nghiệm chiến lược này.
Ngoài ra, ông Pandolfe còn cho biết Nga đã chú trọng nhiều hơn vào vai trò của các lực lượng đặc nhiệm cũng như chiến tranh thông tin và mạng.
Học thuyết quân sự của Nga cũng được cập nhật và thay đổi đáng kể. Nga xem các mối đe dọa không hẳn là đến từ chiến tranh quy ước, mà còn là sự cần thiết phải bảo vệ người dân Nga trong các quốc gia bất ổn, đang phải đối mặt và chống lại ảnh hưởng của phương Tây.
Thật ra, các chuyên gia phân tích quốc tế đã đề cập đến vấn đề này trong nhiều năm qua. Nhưng các nước phương Tây đã không quan tâm đúng mức các báo cáo của họ.
Các nước phương Tây và NATO tin rằng họ có thể kiềm chế Nga thông qua các cam kết hợp tác quân sự lâu dài. Nhưng giờ đây họ nhận ra rằng Nga đã không thật sự quan tâm đến điều đó. Quân đội Nga đã và đang sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc xung đột nào.
Theo bà Fiona Hill, cựu quan chức tình báo hàng đầu về Nga thì cuộc khủng hoảng ở Ukraine không chỉ là cơ hội cho Nga để ứng dụng bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến George năm 2008, mà nó còn là nền tảng cho các chiến dịch lớn hơn sau này.
“Các nước đều mong muốn và vội vã tìm cách hợp tác với Nga, kể cả Mỹ. Nhưng bây giờ, họ phải hiểu rằng người Nga đã và đang chuẩn bị cho một cái gì đó khác và rộng lớn hơn", bà Hill nói.
Andranik Migranyan, hiện đang là cố vấn cho chính phủ Nga, đã nói với các phóng viên rằng kể từ sau cuộc chiến Georgia, Nga đã mạnh tay chi tiêu để nâng cấp toàn diện bộ máy quân sự của mình. Và nếu phương Tây không làm điều đó thì họ chỉ có thể tự trách chính mình, theo The Daily Beast.
Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.