Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã công bố một số mặt hàng hoa quả của Trung Quốc có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép. Ông có thể cho biết, khi vào nước ta, các mặt hàng hoa quả này có thuộc lĩnh vực quản lý của ngành quản lý thị trường?
- Tôi có thể khẳng định, tất cả các loại hàng hóa đã vào Việt Nam mang tính chất thương mại đều thuộc phạm vi kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường. Tất nhiên, tùy từng các mặt hàng chúng tôi cần kết hợp với các lực lượng thanh tra chuyên ngành mới có thể kiểm soát tốt được. Về mặt hàng hoa quả thì có tính chất đặc thù, lực lượng quản lý thị trường ở nước ta chỉ có thể kiểm tra các mặt hàng rau quả có nhãn, mác, nguồn gốc xuất xứ hay không thôi. Họ không có dụng cụ kiểm tra ATVSTP, mắt thường thì không thể phát hiện được hoa quả có đảm bảo ATVSTP hay không.
Hiện ngành quản lý thị trường cũng là lực lượng thường trực của Ban chỉ đạo 127, hoa quả nhập khẩu hiện nay rất khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nên cũng có thể coi là hành vi gian lận thương mại. Phòng chống hành vi này đang gặp những khó khăn gì?
- Việc phòng chống gian lận thương mại gặp rất nhiều khó khăn do lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu bất chấp thủ đoạn và rất liều lĩnh. Chúng thành lập cả băng nhóm và có liên kết với các đối tượng đầu mối khác ở nước bạn để tìm mọi cách vận chuyển hàng lậu, hàng kém chất lượng, trong đó có hoa quả vào nước ta với nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Có trường hợp, chúng tôi phát hiện xe hàng lậu, các lực lượng liên ngành đuổi theo nhưng đối tượng liều lĩnh cứ lao thẳng vào các lực lượng chức năng và đám đông nên cuối cùng đành phải thống nhất buông cho chúng thoát, vì sợ đối tượng có thể lao vào cả người dân đi đường.
Hoa quả đã vào tới thị trường, người ta “mông má” lại, sử dụng tem giả, tem nhái… với số lượng hàng hóa nhiều như hiện nay sẽ rất khó cho công tác thanh, kiểm tra.
Theo ông, để kiểm soát tốt các mặt hàng này cần có những biện pháp gì?
- Theo tôi, muốn kiểm soát tốt các mặt hàng này cần thực hiện chặn ngay ở các cửa khẩu, nó giống như một cái phễu, hàng qua các cửa khẩu bằng nhiều hình thức khác nhau, khi vào tới thị trường rồi sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát. Các loại hàng hóa, kể cả hoa quả đã vào tới thị trường, người ta “mông má” lại, sử dụng tem giả, tem nhái… với số lượng hàng hóa nhiều như hiện nay sẽ rất khó cho công tác thanh, kiểm tra.
Nếu lực lượng hải quan, ATVSTP kiểm soát tốt tại biên giới sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng gian lận thương mại. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng thông thái hơn, nếu người tiêu dùng không mua hàng nhập lậu sẽ hạn chế được việc nhập “hàng độc” vào Việt Nam như mặt hàng hoa quả nói trên
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.