Kiểm tra chéo để ngăn ngừa tai nạn giao thông

An Nhiên Thứ ba, ngày 08/12/2015 09:06 AM (GMT+7)
Đó là đề nghị của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhằm thực hiện một số giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở nông thôn.
Bình luận 0

Nhằm xây dựng đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020”, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã thực hiện nghiên cứu trên địa bàn cả nước.

Tai nạn chủ yếu do lỗi con người

Hiện cả nước có trên 170.000km đường liên xã, liên thôn, chiếm 79% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường bộ cả nước, gắn bó chặt chẽ với đời sống dân sinh và hoạt động kinh tế của gần 80% dân số. Thạc sĩ Lê Văn Đạt – Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết: Phân tích số vụ tai nạn giao thông (TNGT) theo tuyến đường thì tai nạn trên đường nông thôn chiếm 11%.

img

CSGT huyện Bố Trạch phối hợp Công an xã Hạ Trạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Ảnh: ATGT.VN

Tỷ lệ 11% các vụ tai nạn ở đường nông thôn là trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Nếu tính cả đường tỉnh thì TNGT chiếm trên 28% và có khoảng 70% số vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ khu vực nông thôn. Qua phân tích các vụ TNGT khu vực nông thôn, có đến gần 80% số vụ có liên quan đến xe gắn máy, chủ yếu xảy ra giữa hai phương tiện đi ngược chiều. “Hầu hết các tai nạn đều được xác định là do lỗi của người tham gia giao thông. Trong đó chạy quá tốc độ, sử dụng sai làn đường là nguyên nhân chủ yếu” - ông Đạt nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, tình hình TNGT khu vực nông thôn có xu hướng tăng nhanh do ý thức của người dân còn kém, hệ thống kết cấu hạ tầng và phương tiện không đủ an toàn vẫn tồn tại.

Khó xử lý vì thân quen...

Nói về công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực nông thôn, ông Lê Quang Hòa – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục CSGT cho biết: Dù đã có hành  lang pháp lý, nhưng quá trình xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của công an xã vẫn gặp khó khăn. Bởi đối tượng vi phạm là người dân địa phương, có quan hệ thân quen, họ hàng nên việc xử lý còn nể nang và gặp khó khăn.

Thạc sĩ Lê Văn Đạt cũng cho rằng việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực, bị tác động bởi yếu tố gia đình, làng xóm.

Để nâng cao hiệu quả công tác huy động lực lượng này, ông Lê Quang Hòa cho rằng công an xã phải tham mưu tốt cho Đảng ủy và UBND xã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ... Ông Lê Văn Đạt đề nghị: “Để tránh tình trạng nể nang trong công tác xử lý vì quen biết, hàng xóm, cùng dòng họ, công an huyện nên tiến hành thành lập các đội với sự tham gia của công an xã và tiến hành kiểm tra chéo, công an xã này sang xã khác xử phạt”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem