Kiến nghị giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải: Doanh nghiệp phấn khởi, người dân khúc mắc

Việt Sáng Thứ sáu, ngày 08/07/2022 13:28 PM (GMT+7)
Nhiều luồng ý kiến trái chiều xảy ra sau khi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bình luận 0

Bộ GTVT đề xuất giảm mạnh phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải

Cụ thể, sáng 6/7, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) - có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT. Thời gian giảm đến hết năm 2022.

Theo đó, việc giảm phí, lệ phí được đề nghị trên cơ sở triển khai công văn số 5039/BTC-CST ngày 1/6/2022 của Bộ Tài chính về giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải do tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 2935/VPCP-KTTH ngày 11/5/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Từ đề xuất của các Cục, Tổng cục chuyên ngành và để có thể tháo gỡ một phần việc tăng chi phí vận tải do giá xăng, dầu tăng cao hiện nay, Bộ trưởng GTVT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông.

vận tải hành khách.png

Sáng 6/7, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) - có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT. Thời gian giảm đến hết năm 2022.

Lĩnh vực đường bộ: Giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thời gian đề nghị giảm đến hết năm 2022.

Lĩnh vực hàng hải: Giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Thời gian đề nghị giảm các phí này từ tháng 8 đến tháng 12/2022.

Lĩnh vực hàng không: Giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

Lĩnh vực đường sắt: Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải, đề nghị giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt kể từ ngày 8/2/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Để tiếp tục hỗ trợ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính cho kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 120/2021/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2022.

Lĩnh vực đường thủy nội địa: Miễn giảm 100% lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp phấn khởi, người dân khúc mắc

Nói về đề xuất giảm phí, lệ phí, theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, nếu đề xuất được thực hiện, đơn vị sẽ dành ra được số tiền không nhỏ để lo cho đời sống nhân viên đường sắt.

"Hiện nay mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt chúng tôi nộp cho ngân sách là 8%, nếu giảm 50% tức là chỉ còn 4%.

Ví dụ, mức doanh thu là 1000 tỷ, đúng ra chúng tôi phải nộp 80 tỷ, nhưng nếu giảm, đơn vị chỉ phải nộp 40 tỷ, số tiền này sẽ được dùng vào nhiều việc khác, trong đó có nâng cao đời sống cho nhân viên đường sắt", vị đại diện cho hay.

vận tải hành khác.jpeg

Nhiều doanh nghiệp phấn khởi với đề xuất trên của Bộ GTVT.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Mạnh Hùng (chủ nhà xe C.H đang hoạt động tại Nghệ An) cho biết, nếu kiến nghị trên được thông qua, phía doanh nghiệp vận tải sẽ giảm được nhiều chi phí trong quá trình hoạt động.

"Đề xuất giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách giúp chúng tôi tiết kiệm một khoản không nhỏ. Với một số nhà xe lớn, nhiều đầu xe, giảm 30% là con số khủng khiếp.

Hiện nay, với mỗi đầu xe khách to, chúng tôi đăng kiểm hết khoảng 10 triệu - 15 triệu đồng, nếu chính sách được áp dụng, sẽ giảm được 3 -5 triệu đồng. Cứ theo con số đó nhân lên sẽ thấy chúng tôi giảm được nhiều như nào", anh Hùng cho hay.

Phía doanh nghiệp, cũng như các công ty vận tải đang chờ mong kiến nghị được thông qua, nhưng về phía người dân, các cá nhân sử dụng phương tiện vận tải hộ gia đình cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Chị Mai Đào Loan (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng, nếu giảm thì giảm chung, sao giảm mỗi vận tải hành khách, vận tải hàng hóa... mà không giảm cho phương tiện cá nhân.

"Theo tôi là phải giảm chung. Dịch covid-19 ảnh hưởng tới mọi người, mọi nhà trong thời gian qua, thời điểm này xăng tăng, không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, công ty vận tải mà chính người dân cũng ảnh hưởng lớn.

Tôi đề xuất, nếu giảm từ 10 - 30% thì phía người dân sử dụng phương tiện cá nhân cũng phải được giảm trong khoảng này", chị Loan bức xúc nói.

Anh Như An (An Khánh, Hoài Đức) cho biết, nếu người dân được giảm khoảng 20% mức phí sử dụng đường bộ sẽ giúp họ bớt một khoản chi phí.

"Trong lúc giá xăng tăng cao, giá cả thị trường tăng chung, nhà nhà người người đều khó khăn, vì thế Bộ GTVT cần xem xét, giảm chung cho cả người dân, cả phương tiện cá nhân về mức phí sử dụng đường bộ", anh An ý kiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem