Điều đó có nghĩa là ông Kim Jong un sẽ có quyền ra quyết định về các vấn đề chính trị cũng như quân sự ở Triều Tiên.
Quân đội thề cống hiến mạng sống
Giới phân tích cho rằng, với việc nắm quyền kiểm soát một trong những cơ quan ra quyết định cao nhất ở Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong un sẽ được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên. Nhật báo của Đảng Lao động Triều Tiên, tờ Rodong Shinmun sáng 26.12 cho biết, binh sĩ Triều Tiên đã hô vang khẩu hiệu thề cống hiến mạng sống để bảo vệ ủy ban do Kim Jong un lãnh đạo.
|
Hai vị phu nhân dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tới viếng ông Kim Jong il. |
Trước đó, ngày 24.12, truyền thông của CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu xướng tên Đại tướng Kim Jong un là "tổng tư lệnh tối cao". Trong một bài xã luận, nhật báo Rodong Shinmun viết: "Chúng tôi sẽ ủng hộ đồng chí Kim Jong un làm vị Tổng tư lệnh tối cao của nhân dân Triều Tiên". Tổng tư lệnh tối cao là vị trí trước đây do cố lãnh đạo Kim Jong il nắm giữ.
Năm 2010, ông Kim Jong un được phong làm Đại tướng kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên. Đây được xem là bước đệm để ông lên nắm quyền lãnh đạo quân đội cũng như lãnh đạo Triều Tiên. Ngày 25.12, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng có khả năng đây là dấu hiệu Đại tướng Kim Jong un lên nắm quyền kiểm soát chính thức quân đội Triều Tiên.
Hai đoàn từ Hàn Quốc tới chia buồn
Theo Yonhap, ngày 26.12, được sự cho phép đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc, hai đoàn Hàn Quốc đã tới CHDCND Triều Tiên để viếng nhà lãnh đạo Kim Jong il vừa qua đời với tư cách cá nhân.
Đoàn thứ nhất gồm 13 người do bà Lee Hee ho - phu nhân cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae jung dẫn đầu và đoàn thứ 2 có 5 người do bà Hyun Jeong eun, vợ cố Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Chung Mong-hun dẫn đầu. Không có bất cứ quan chức chính phủ hay chính trị gia nào của Hàn Quốc tham gia hai đoàn này.
Về mặt kỹ thuật, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến năm 1950-1953, do hai bên chưa ký một hiệp định hòa bình. Vì thế, hầu hết người Hàn Quốc bị cấm sang CHDCND Triều Tiên theo chính sách của chính phủ hiện nay.
Theo bà Lee Hee ho, bà và bà Hyun Jeong eun tới Bình Nhưỡng để đáp lễ việc Triều Tiên đã cử đoàn sang Hàn Quốc chia buồn khi chồng của hai bà qua đời.
Seoul đã bày tỏ sự chia buồn với người dân Triều Tiên và cho phép chuyến viếng tang này, nhưng chính quyền sẽ không gửi điện chia buồn hoặc phái đoàn chính thức đến viếng ông Kim Jong il.
Trước đó, Bình Nhưỡng từng cử phái đoàn chính thức đến Hàn Quốc khi cố Tổng thống Kim Dae jung và cựu Chủ tịch Chung Mong hun qua đời vào các năm 2009 và 2003.
Yonhap dẫn lời Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sau khi đến Bình Nhưỡng, 2 đoàn từ Hàn Quốc dự kiến sẽ được đãi tiệc trưa và đến viếng ông Kim Jong il ở lăng Kumsusan rồi trở về Hàn Quốc một ngày sau đó.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.