Kim Philby (1912-1988) đã cười khi ông xem “17 khoảnh khắc của mùa xuân” (một seri truyền hình 12 phần về một điệp viên Liên Xô hoạt động trong lòng nước Đức phát xít).
“Một gián điệp biểu cảm như vậy sẽ chẳng trụ nổi 1 ngày”, Philby - một người Anh nhưng cuối cùng lại sống ở Moscow trong thời gian dài, đã bình luận về những tính cách của Max Otto von Stierlitz do Vyacheslav Tikhonov thủ vai.
Philby biết điều mà ông đang nói tới là gì. Suốt nhiều năm Kim Philby đã làm việc cho Liên Xô. Trong khi đó, ông cũng phụ trách một bộ phận chịu trách nhiệm chống lại những người Cộng sản Liên Xô trong MI6 của Anh - nói cách khác, công việc của ông ở MI6 là bắt những người giống như ông, một vỏ bọc vô cùng nguy hiểm.
Kim Philby. Ảnh: Sputnik
Là một người đàn ông thuộc giới thượng lưu ở Anh, Philby được đồng nghiệp ngưỡng mộ vì cách cư xử khéo léo. Chính điều đó, cho đến khi bị phát hiện làm gián điệp cho Liên Xô, đã khiến ông mang danh “kẻ phản bội lớn nhất của nước Anh”.
Một người Cộng sản
Harold Adrian Russell Philby (Kim là biệt danh) sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha ông, St John Philby, là một người Anh làm việc ở Ấn Độ (khi đó là thuộc địa của Anh), sau đó cải sang đạo Hồi và từng làm cố vấn cho Quốc vương Saudi Arabia Ibn Sa’ud.
Số phận trêu ngươi: St John đã thuyết phục Saudi hợp tác với Anh và Mỹ - thay vì Liên Xô – trong khi con trai ông cuối cùng lại làm việc cho Moscow suốt 30 năm.
Philby trẻ tuổi tốt nghiệp Đại học Cambridge. Khi đó, ông có liên kết với những người theo chủ nghĩa xã hội ở Anh – điều mà sau này ông nói rằng: “Khi tôi là một sinh viên 19 tuổi đang cố định hình quan điểm của cuộc đời, tôi đã nhìn xung quanh và đi đến 1 kết luận đơn giản – người giàu đã có những điều tốt đẹp quá lâu, người nghèo cũng đã sống khổ quá lâu và đã lến lúc mọi thứ cần phải thay đổi”.
Lòng mong muốn mang bình đẳng đến thế giới đã dẫn dắt ông làm việc cho Liên Xô. Năm 1933, Philby được tuyển mộ ở Vienna bởi Arnold Deutsch, một đặc vụ Liên Xô có vỏ bọc khá sâu.
Cuộc chiến bí mật
Arnold Deutsch thuyết phục Philby rằng, trở thành một gián điệp ngầm trong một cơ quan tình báo của Anh, ông sẽ làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho những người Cộng sản. Và từ những năm 1930, Kim Philby bắt đầu che đậy lòng tin chính trị của mình.
Khi làm phóng viên cho The Times (của Anh), loạt tin vài về sự kiện ở Tây Ban Nha khi đó đã khiến MI6 dần dần chú ý đến Philby. MI6 đã đề nghị ông về làm việc. Tất nhiên, Philby đã đồng ý.
Kim Philby (thứ 2 bên trái) khi làm phóng viên trong thời kỳ nội chiến ở Tây Ban Nha. Ảnh: Getty.
Sau khi nổ ra Thế chiến 2 năm 1939 Philby trở thành một điệp viên cực kỳ quan trọng đối với tình báo Liên Xô. Nhờ việc giải mã bộ mã Enigma, Anh có thể đọc được điện báo vô tuyến bí mật của Đức trong suốt chiến tranh và trong khi Thủ tướng Winston Churchill chưa vội vàng chia sẻ mọi thông tin với đồng minh Liên Xô, thì Kim Philby đã bí mật làm điều đó.
“Bạn có thể đã nghe những câu chuyện rằng MI6 là một tổ chức hiệu quả một cách "thần thánh", những điều quả thực vô cùng nguy hiểm. Nhưng trong thời chiến tranh, chân thực mà nói thì không phải vậy”. Philby nói như vậy tại một hội thảo chuyên đề cho các nhân viên tình báo Đức năm 1981.
Mỗi ngày ông đã rời khỏi văn phòng với chiếc cặp táp lớn chứa đầy những văn bản và báo cáo mới nhất và giao chúng cho người liên hệ của ông. Người liên hệ sẽ chụp lại chúng và gửi cho phía Nga, trong khi Philby sẽ xếp lại toàn bộ bản gốc vào vị trí cũ vào sáng hôm sau.
Philby cũng là người có công trong Trận chiến ở Kursk năm 1943: nhờ có ông, Liên Xô biết chính xác nơi quân Đức lên kế hoạch thả các thiết bị nổ - gần làng Prokhorovka – và đẩy lùi cuộc tấn công mạnh mẽ của xe tăng Đức.
“Khi Philby được hỏi thành tựu chính trong cuộc đời ông là gì, ông đã nói rằng đó là ‘Prokhorovka’”, Sergei Ivanov, người phụ trách báo chí của Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga nói với RIA Novosti.
Suýt bị lộ
Từ năm 1944, Kim Philby được giao phụ trách đội 9 của MI6, theo đó giám sát các hoạt động chống cộng sản. Ở vị trí mới, ông tiếp tục cung cấp thông tin cho Moscow nhưng che đậy hoạt động của mình một cách vô cùng kín đáo: tới mức năm 1946, ông nhận được Huân chương của Đế quốc Anh do Vua George VI trao tặng.
Như mối nguy hiểm mà các điệp viên viên 2 mang thường phải đối mặt, Philby cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh suýt bị lộ. Trong một dịp năm 1945, khi phó lãnh sự Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ, Konstantin Volkov, nói với nước Anh trong một cuộc trao đổi lấy quyền tị nạn chính trị và tiền, rằng ông sẽ tiết lộ tên của 3 điệp viên quan trọng của Liên Xô ở London.
Philby, khi tới gặp Volkov với tư cách là đại diện MI6, đã gửi thông báo cho Moscow. Volkov đã bị bắt, và Philby nói với các lãnh đạo của mình MI6 rằng cuộc gặp chắc chắn là một sự khiêu khích đối với Liên Xô.
Bị nghi ngờ
Năm 1951, những đám mây đen lại đeo bám Philby một lần nữa, sau sau cuộc bỏ trốn tới Moscow của 2 điệp viên Liên Xô đã được tuyển mộ theo sự tiến cử của ông - Donald Maclean và Guy Burgess. Maclean đã sắp bị lộ, nhưng Burgess, người trước đó đã sắp xếp cuộc bỏ trốn của Maclean, cũng đã bỏ trốn mà không được phép. Điều này khiến Philby có nguy cơ bị lộ.
MI6 phát hiện Philby và Burgess có biết nhau và nhận định có nhiều khả năng Philby là “người đàn ông thứ 3” [mà Volkov chưa kịp tiết lộ].
Philby bị thẩm vấn liên tục trong nhiều tuần liên tiếp. Dù không thể phát hiện ra điều gì, nhưng MI6 vẫn không thôi nghi ngờ và cáo buộc Philby làm gián điệp.
Năm 1955 Philby tổ chức một cuộc họp báo thể hiện sự giận giữ vì bị cáo buộc hoạt động gián điệp. “Lần gần đây nhất tôi nói chuyện với một người Cộng sản mà biết rằng anh ra là người Cộng sản là vào năm 1934”, Philby nói khi đó. Và nước Anh đã tin.
Bỏ trốn đến Moscow
Trong những năm 1956-1963, Philby đã làm việc ở Trung Đông: bề ngoài là một phóng viên nhưng bên trong là một đặc vụ MI6 (và tất nhiên là của Liên Xô). Không nhiều người biết về giai đoạn này trong cuộc đời ông.
Kim Philby trong một kỳ nghỉ với người vợ Rufina Rukhova những năm 1970. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, năm 1963, do những lời khai của “kẻ đào ngũ” sang phương Tây, cũng như tiết lộ của một người bạn cũ, niềm tin vào cộng sản của Philby đã bị lộ. Một lời đề nghị miễn tội “là tôi nói tất cả những gì tôi biết về KGB và nói ra nhưng cái tên ở Anh”, Philby sau này nhớ lại.
Nhưng phía Liên Xô đã sắp xếp một cuộc bỏ trốn cho ông từ Beirut tới Moscow (một số người tin rằng phía Anh đã cố tình để Philby trốn thoát để tránh một phiên tòa đầy tai tiếng).
Ở Liên Xô, Philby về cơ bản trở thành một người được hưởng trợ cấp danh dự: ông đã chuyển cho tình báo Liên Xô mọi thứ ông có, và làm công tác đào tạo các nhân viên tình báo. Philby sống ở trong một căn hộ ở trung tâm Moscow và kết hôn với một người phụ nữ bản địa kém mình 20 tuổi.
Hoàng Phạm (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.