Kinh hoàng ý tưởng máy bay sử dụng động cơ hạt nhân

Chủ nhật, ngày 29/03/2020 16:33 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, khi công nghệ hạt nhân đóng vai trò hạt nhân ở các cường quốc quân sự thì cũng là lúc con người nghĩa ra ý tưởng về một mẫu máy bay vĩnh cửu sử dụng nguồn năng lượng này.
Bình luận 0

Ý tưởng ban đầu

Ý tưởng về một chiếc máy bay có thể bay mãi mãi, không giới hạn tầm bay hoặc thời gian hoạt động trên không đã được các nhà khoa học của Liên Xô và Mỹ nảy sinh ra trong quá trình thiết kế những tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của nhân loại.

Suy nghĩ này có phần cực kỳ đơn giản, đó là nếu như một con tàu có thể mang được một động cơ hạt nhân vĩnh cửu thì một chiếc phi cơ hay thậm chí là một chiếc máy bay cũng hoàn toàn có thể làm được điều tương tượng.

Và sự thật là cả xe tăng sử dụng động cơ hạt nhân và máy bay hạt nhân đều đã dược ra đời trong nỗ lực thử nghiệm của hai siêu cường là Liên Xô và Mỹ.

Một siêu phi cơ có tầm bay không giới hạn, có tầm hoạt động trên không không giới hạn sẽ cực kỳ phù hợp vào nhiệm vụ thực hiện các phi vụ bay do thám hoặc làm máy bay vận tải, máy bay ném bom tầm xa.

img

Chiếc phi cơ sử dụng động cơ hạt nhân duy nhất của Mỹ mang tên NB-36H. Chương trình nghiên cứu nó đã bị đình chỉ vĩnh viễn sau chuyến bay đầu tiên ít năm.

Thực tế đã có hai thuật ngữ liên quan tới máy bay sử dụng động cơ hạt nhân đó là Aircraft Nuclear Propulsion – nghĩa là máy bay sử dụng động cơ đẩy hạt nhân và thuật nghữ nuclear-powered bomber – có nghĩa là máy bay ném bom sử dụng động cơ hạt nhân. Hai loại phi cơ này dù cùng dùng động cơ hạt nhân nhưng lại có mục đích sử dụng khác xa nhau nên cần tới hai chương trình nghiên cứu độc lập hoàn toàn và hai thiết kế khác nhau hoàn toàn.

Công trình của người Mỹ

Là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng được tàu sân bay hạt nhân, Mỹ đã bắt tay ngay vào việc chế tạo một phi cơ sử dụng động cơ hạt nhân để giữ được vị thế “ông thần” hạt nhân của thế giới trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Lạnh.

Thực tế, chương trình chế tạo phi cơ sử dụng động cơ đẩy hạt nhân đã được Không quân Mỹ bắt tay vào đặt ý tưởng từ tháng 5/1946. Quá trình nghiên cứu kéo dài tới năm 1951 và trong vòng 6 năm ngắn ngủi này, công nghệ hạt nhân đã tiến nhanh và tiến xa đến nỗi người Mỹ hoàn toàn lạc quan về một chiếc máy bay có động cơ vĩnh cửu trong tương lai gần.

Vào giai đoạn khoảng giữa những năm 1950, Quân đội Mỹ đã kết hợp với hãng General Electric và Pratt & Whitney để chế tạo thành công hệ thống cung cấp lực đẩy sử dụng động cơ hạt nhân. Kèm theo đó là việc cải biên hai chiếc phi cơ B-36 khổng lồ của nước này vào chương trình MX-1589 – chương trình chế tạo phi cơ hạt nhân điên rồ nhất trong lịch sử nhân loại.

Một trong hai chiếc phi cơ B-36, mang mã hiệu NB-36H đã thực sự được gắn động cơ hạt nhân và hoàn toàn có thể bay được trên không. Trong khi đó chiếc còn lại với chương trình mang tên mã X-6 đã bị hủy trước khi nó kịp cất cánh.

Chuyến bay đầu tiên của máy bay sử dụng động cơ hạt nhân được thực hiện thành công vào ngày 31/1/1956, chỉ vài năm sau khi chương trình nghiên cứu của Mỹ bắt đầu và chỉ hơn 1 năm sau khi quá trình lắp ráp, triển khai được thực hiện. Chiếc NB-36H sau khi được cải biên đã có thể thực hiện được chuyến bay chỉ với phi hành đoàn 5 người, tốc độ tối đa lên tới 676 km/h và có trần bay khoảng 12.200 mét. Tới tận ngày nay, đây vẫn là chiếc phi cơ hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Mỹ từng được chế tạo và bay thử nghiệm thành công.

img

 Một nguyên mẫu của NB-36H được Mỹ chế tạo trong những năm 1960.

Chương trình nghiên cứu và phát triển phi cơ sử dụng động cơ hạt nhân của Mỹ đã chấm dứt vào năm 1961 khi Tổng thống John F. Kennedy lên nhận chức và tuyên bố từ bỏ chương trình nghiên cứu máy bay hạt nhân để giảm ngân sách quốc phòng.

Liên Xô đáp trả

Lần đầu tiên thông tin về một chiếc phi cơ sử dụng động cơ hạt nhân của Liên Xô xuất hiện công khai là vào năm 1958 khi mà tạp chí Aviation Week đã cho đăng tải thông tin về một chiếc máy bay ném bom sử dụng động cơ hạt nhân của nước này.

Bài báo nêu rõ, chiếc phi cơ ném bom sử dụng động cơ đẩy hạt nhân của Liên Xô đã được hoàn thiện khoảng 6 tháng trước đó, nghĩa là ra đời vào khoản mùa hè năm 1958 nhưng được giữ bí mật tuyệt đối. Điều đáng nhắc tới ở đây đó là ngoài cái tên “Máy bay ném bom mang động cơ hạt nhân thử nghiệm của Liên Xô” (Soviets Flight Testing Nuclear Bomber) thì phía Liên Xô lại hoàn toàn giấu kín mọi thông tin khác về chiếc phi cơ này, ngay cả số hiệu, tên đề án, cho tới số phận của nó.

Không một bức ảnh nào về phi cơ hạt nhân của Liên Xô trong giai đoạn này từng được trông thấy, tuy nhiên nhiều kỹ sư hàng không của Liên Xô và Nga sau này đã khẳng định rằng Moscow từng nghiên cứu và chế tạo thành công một chiếc máy bay sử dụng động cơ hạt nhân trong quá khứ, bằng chứng là chiếc máy bay Tupolev Tu-95LAL của Liên Xô đã lộ diện và từng được coi là chiếc phi cơ hạt nhân thành công nhất của Liên Xô trong thời gian sau này.

img

 Máy bay ném bom Tu-95 từng được Liên Xô sử dụng để chế tạo máy bay hạt nhân, nhưng kết quả mang lại không như họ mong muốn. Trong ảnh là máy bay ném bom siêu âm Myasishchev M-50 được cho là từng được trang bị động cơ hạt nhân.

Tuy nhiên Tu-95LAL phải mãi tới năm 1961 mới xuất hiện – nghĩa là rất có thể sau khi Mỹ quyết định chấm dứt chương trình nghiên cứu phi cơ hạt nhân thì Liên Xô mới hoàn thành được chiếc phi cơ hạt nhân đầu tay của mình.

Chương trình nghiên cứu phiên bản tiếp theo của Tu-95LAL được đặt tên là Tu-119 cũng đã bị chấm dứt từ trước khi kịp bắt đầu, nhiều tài liệu tình báo của phương Tây cho là quá trình nghiên cứu và phát triển Tu-119 đã xảy ra tai nạn hạt nhân, dẫn đến việc chiếc phi cơ này bị đình chỉ vô thời hạn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về Tu-119 được phía Nga công bố.

Tương lai?

Vào tháng 2/2018 vừa rồi, Tổng thống Nga cho biết quân đội nước này đang chế tạo một loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và sử dụng động cơ hạt nhân có thể tấn công vào mọi vị trí trên thế giới bất kể khoảng cách. Thậm chí ông còn cho biết thiết bị này hiện đã được bay thử nghiệm vào năm 2017.

Điều này có thể dẫn tới một tương lai “hạt nhân hóa” mọi phương tiện chiến tranh, nhất là khi một động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân siêu mạnh đã được làm nhỏ tới mức có thể đặt được bên trong thân của tên lửa hành trình thì rõ ràng việc đặt động cơ này vào bên trong máy bay ném bom hoặc thậm chí là đặt bên trong máy bay tiêm kích là điều hoàn toàn khả thi.

Phía Mỹ mà cụ thể là nhà sản xuất Lockheed-Martin cũng có phát ngôn chính thức vào năm 2014 về việc phát triển một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, có thể đặt được sử dụng để cung cấp năng lượng hạt nhân vĩnh cửu cho phi cơ, tàu biển, tàu vũ trụ hay thậm chí là sử dụng trong từng hộ gia đình. Trong phát ngôn của mình, Lookheed Martin cho rằng họ dự kiến tới năm 2024, thiết bị này sẽ được cho ra đời.

Tuấn Anh (Kiến Thức)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem