Không có chỗ cho nước mắt
Trao đổi với chúng tôi tại khách sạn Swissotel sáng 12.6 trước khi lên đường về nước, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, nếu dùng từ “khắc nghiệt” tôi e là chưa đủ để nói về sự cực khổ của Ánh Viên trong tập luyện. Trong thể thao đỉnh cao, không có chỗ cho sự tự mãn. Ánh Viên có tiềm năng nhưng vẫn là vận động viên trẻ và phải nỗ lực không ngừng nếu muốn hiện thực hoá giấc mơ giành huy chương Olympic”.
Bản thân Ánh Viên cũng khẳng định, mục tiêu của cô trong tương lai là giành huy chương Olympic ở các cự ly sở trường là 400m hỗn hợp, 400m và 800m tự do. Để làm được điều ấy, Ánh Viên sẽ lại tiếp tục khổ luyện.
Thậm chí, khi được hỏi một câu riêng tư về tình cảm cá nhân, Ánh Viên bộc bạch: “Hiện tại, tôi không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài tập luyện. Tình yêu của tôi với bơi lội giờ vẫn lớn hơn tất cả và tôi sẽ cống hiến đến hết khả năng”.
Chăm sóc, dạy dỗ Ánh Viên tỉ mỉ cả chuyên môn lẫn bài học làm người, HLV Anh Tuấn đã tạo ra một “cô gái thép” đích thực cho bơi lội Việt Nam.
Kể chuyện hậu trường, HLV Đặng Anh Tuấn cho biết cách đây 2 năm, khi đang tập luyện ở Mỹ, Ánh Viên đã khóc khi nhớ nhà trong dịp sát Tết Nguyên đán.
“Lúc đó, tôi đã nói với Ánh Viên, nếu con muốn, thầy sẽ sắp xếp hành lý và đưa con về nhà ngay. Nhưng làm thế, con sẽ vứt bỏ tất cả niềm đam mê, sự kỳ vọng với bơi lội. Đã theo con đường chuyên nghiệp thì phải chấp nhận hy sinh và đi với thầy thì con không được khóc” - ông Tuấn kể.
Đó cũng là lần duy nhất, Ánh Viên khóc khi tập huấn xa nhà. Những sự hy sinh như thế đã cộng hưởng cùng công sức của HLV Anh Tuấn để tạo nên nhà vô địch Ánh Viên hiện tại.
Muốn lập kỳ tích, phải học làm người
Một điều HLV Anh Tuấn luôn nhấn mạnh là ngoài tài năng chuyên môn, ông luôn chú trọng rèn giũa việc học văn hoá, cách ứng xử, giao tiếp cho Ánh Viên.
“Ánh Viên bây giờ có năng lực, nhưng điều tôi thấy vui nhất là em có được đạo đức tốt, sự khiêm tốn, niềm đam mê để chinh phục đỉnh cao Olympic. Là người thầy, tôi luôn khát khao có được một học trò giành Huy chương Vàng Thế vận hội. Sự kỳ vọng, niềm tin ấy giờ tôi dồn tất cả vào Ánh Viên” - ông Tuấn trải lòng.
Vì cái đích cao nhất, ông Tuấn không đặt nặng việc giành bao nhiêu Huy chương Vàng, phá bao nhiêu kỷ lục cho Ánh Viên: “Tôi chỉ hài lòng khi Ánh Viên vượt qua thành tích của chính mình”.
Bản thân Ánh Viên cũng tỏ ra rất khiêm tốn khi cho rằng, cô là người bình thường và “mọi người đừng thần thánh hoá tôi quá”. Bàn về chuyên môn, Ánh Viên tiết lộ: “Thành tích ở các cự ly sở trường của tôi hiện nằm trong tốp đầu châu Á, nhưng vẫn phải nỗ lực không ngừng mới có thể đạt đến đẳng cấp thế giới. Quy trình và chu kỳ huấn luyện không thể tính toán thời gian bởi có thể kéo dài 1-2 năm hoặc cũng có thể ngắn hơn”.
Xa nhà để rèn luyện chuyên môn lẫn ý chí, nghị lực, Ánh Viên nói khi ở Mỹ, cô tập buổi sáng và chiều mỗi buổi 3 giờ, tập từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7, Chủ nhật thi đấu. Ngoài thời gian tập luyện, Ánh Viên cũng dành 3 giờ để học tiếng Anh. Bên cạnh đó, kình ngư này còn học một số môn khác tại Đại học Bắc Carolina.
“Ngoài thi đấu thể thao, tôi luôn muốn tích luỹ kiến thức, học cách trở thành một người tốt như lời dạy của thầy Tuấn. Tôi hạnh phúc khi được sống với đam mê và sẽ gắng sức để không phụ lòng kỳ vọng của thầy cũng như người hâm mộ” - Ánh Viên bộc bạch.
Khi được hỏi cảm xúc về việc được đề nghị đặc cách thăng quân hàm từ đại uý quân nhân chuyên nghiệp lên thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, Ánh Viên khẳng định: “Tôi rất vinh dự khi những cống hiến của mình được ghi nhận. Điều đó sẽ giúp tôi thêm quyết tâm để chinh phục những đỉnh cao mới, đặc biệt là ở đấu trường Olympic”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.