Clip: Anh Hoàng Tuấn Long giới thiệu mô hình Chùa Một Cột bằng tăm giang.
Anh Hoàng Tuấn Long (45 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là một thạc sĩ, kiến trúc sư đã để lại dấu ấn đặc biệt trong nhiều công trình, tác phẩm nổi tiếng. Ngoài công việc chính là thiết kế các tòa nhà và nội thất, anh còn đặc biệt đam mê thực hiện các mô hình nhân vật hay địa danh thu nhỏ. Không chỉ dừng lại ở những cái đã có, anh còn mày mò, sáng tạo thêm để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Một trong những ý tưởng sáng tạo nhất của anh là các công trình kiến trúc được thực hiện bằng tăm giang, ra đời năm 2014 và được anh đặt tên là BOARC. Khác với những mô hình được chắp, dán bằng tăm tre hay que kem thường thấy, kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đã sáng tạo hình dáng vật thể bằng sự pha trộn giữa tăm giang và các miếng mica được cắt laser hiện đại.
Kiến trúc sư, kỷ lục gia Hoàng Tuấn Long.
Sau hơn 2 năm tìm hiểu và thực hiện một loạt mô hình với ý tưởng mới lạ nói trên, tâm huyết và tài năng của anh đã được chứng minh qua một tác phẩm nghệ thuật bằng tăm giang khá đồ sộ là mô hình Chùa Một Cột - công trình biểu tượng cho văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Công trình này đã giúp anh xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2016.
“Với mô hình Chùa Một Cột này, khó nhất là làm phần chân đế - tức là cột trụ, rất là khó, phải đan xen đủ thứ. Mình không thể nào có bản vẽ của công trình được, mà chỉ có thể đi tham quan thực tế, xem những bức hình trên mạng, trên bản đồ Google Maps, đọc thêm thông tin trên bách khoa toàn thư Wikipedia để tìm hiểu từng thành phần có kích thước thế nào, chiều dài, độ cao ra sao?”, kỷ lục gia Hoàng Tuấn Long kể lại công đoạn khó khăn nhất khi thực hiện mô hình Chùa Một Cột.
Theo kỷ lục gia này, tìm tư liệu là công đoạn đầu tiên phải thực hiện khi muốn làm bất kỳ một mô hình nào, rồi sau đó mới bắt đầu phân loại các đặc điểm, kích thước. Đến khi đã cảm nhận được, thấm được bố cục thì anh mới bắt đầu đồ họa trên máy tính. Vẽ là công đoạn khó nhất, tập trung nhất và tốn nhiều thời gian nhất.
Khi đã vẽ xong và cắt laser những miếng mica, việc tiếp theo là định vị chiều cao giữa các thành phần. “Không có quy tắc nào cả, chỉ là cảm nhận của mình với sản phẩm của mình, thấp quá cũng không phê mà cao quá cũng khó coi. Định vị chuẩn rồi, đến công đoạn xỏ thì ai cũng làm được cả, nên nếu cơ duyên sản phẩm của mình được thương mại hóa rộng rãi thì mình hi vọng công đoạn này sẽ giúp tạo việc làm cho người khuyết tật”, cha đẻ của nghệ thuật BORAC chia sẻ.
Về lý do chọn tăm giang cho bộ môn nghệ thuật mà mình đang theo đuổi, anh Long cho hay: Que diêm hay que kem, que xiên thịt thường thấy có kích thước khá lớn nên tính nghệ thuật không cao. Dùng những loại que trên chỉ tạo ra một mô hình mang dáng dấp tượng trưng. Do đó, anh sử dụng tăm giang (loại tăm làm từ cây giang) để “thổi hồn” vào từng chi tiết nhỏ nhất của mô hình.
Theo anh Long, tăm giang từ xa xưa đã là vật dụng quen thuộc gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam; trong khi đó các chi tiết cắt laser lại đòi hỏi kỹ thuật hiện đại và tư duy thiết kế vừa phải bao quát, vừa phải đi vào chi tiết. Đây là lý do khiến cho những mô hình kiến trúc bằng tăm giang của anh vừa mang đậm nét truyền thống, lại vừa mang giá trị kiến trúc hiện đại đầy tinh tế.
Những sợi tăm giang mảnh mai qua quy trình xử lý nhiệt gắt gao trước khi đưa vào tạo hình tạo ra độ bền cao cho tác phẩm mà ít vật liệu thiên nhiên nào đạt được. Sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự mảnh mai nhưng bền vững của từng que tăm đã giúp mô hình kiến trúc này trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự độc đáo, bắt mắt.
Gần 110.000 cây tăm giang tạo nên mô hình Chùa Một Cột.
Quay lại câu chuyện về mô hình Chùa Một Cột, anh Long cho biết, mất 6 tháng trời từ khâu thiết kế đến thực hiện thủ công, gần 110.000 cây tăm có đường kính nhỏ từ 0,8mm đến 0,9mm tròn đều, nhẵn bóng, mềm dẻo đã được anh tỉ mỉ xâu vào hơn 250.000 lỗ trên tấm mica để tạo nên tác phẩm hiện tại.
Công trình Chùa Một Cột bằng tăm giang đã hiện thực hóa giấc mơ về một tác phẩm mang tính biểu tượng đặc trưng của đất nước Việt Nam, một công trình làm bằng chất liệu Việt, mang tinh thần Việt, với tư duy hiện đại của một người trẻ Việt.
Mô hình Chùa Một Cột bằng tăm giang đã xuất hiện tại nhiêu triển lãm, hiện đang được “cha đẻ” trưng bày tại nhà.
Ngoài Chùa Một Cột, kỷ lục gia Hoàng Tuấn Long còn tạo ra mô hình Nhà Trắng (ở Mỹ), đền Taj Mahal (ở Ấn Độ)… Trong đó, mô hình Nhà Trắng và tòa nhà Quốc hội Mỹ đang được trưng bày tại các viện bảo tàng quốc tế. Hiện, anh đang trong quá trình nghiên cứu để làm mô hình Chợ Bến Thành - biểu tượng của Sài Gòn xưa cũng như TP.HCM ngày nay.
650 hiện vật trong bộ sưu tập đèn có từ thế kỷ 5 TCN được trưng bày trong tòa nhà trăm tuổi ở Sài Gòn thu hút nhiều...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.