Bài 1: “Ngọc Trản thần công” vang danh Phi Long Vịnh
Tò mò về tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công” mà chủ nhân võ đường Phi Long Vịnh- đại danh sư Trương Văn Vịnh (SN 1935, trú làng Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) đang sở hữu, tôi quyết tâm tìm đến tận nhà.
Ở tuổi 81, dòng chảy võ thuật vẫn luôn sục sôi trong người đại danh sư Trương Văn Vịnh.
Ảnh: Dũ Tuấn
Dòng họ võ thuật
Trời se lạnh, trong căn nhà nhỏ, võ sư Trương Văn Vịnh thong thả nhấp tách trà nóng. Khi biết tôi đến với nguyện vọng được diện kiến thế võ “Ngọc Trản thần công”. Chẳng chút chần chừ, ông liền đưa đôi tay săn chắc triển những đường quyền đầy dứt khoát, điêu luyện với tốc độ nhanh như chớp.
Trong cuộc đời bôn tẩu giang hồ, võ sư Vịnh rất ít khi dùng đến “Ngọc Trản thần công” để giao đấu. Bởi lẽ, uy lực của thế võ này cực kỳ lợi hại, một khi đã ra đòn thì đối thủ phải lâm nguy, có thể gây tàn phế cơ thể. Năm 8 tuổi, võ sư Vịnh được cha là võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ. Sau đó, ông học thêm võ từ 2 người bác là võ sư Trương Xuân Ba và võ sư Trương Hoàng.
Cứ thế, người dòng họ Trương ở làng Kỳ Sơn ai cũng giỏi võ, đàn bà con gái cũng được truyền cho vài thế võ để phòng thân, tự vệ. Tiếp nối tinh hoa của xứ sở dòng tộc, ngày nay, các con của võ sư Trương Văn Vịnh đều biết võ và có người đã mở lò võ riêng. Cháu nội, cháu ngoại đến nay đã hơn 20 người, đều được học võ.
Theo võ sư Vịnh, tuyệt kỹ "Ngọc Trản thần công" mà ông đang nắm giữ được truyền thụ từ nhiều đời, trong đó có gốc gác khởi nguồn từ ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến (người đã dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn). Để được truyền thụ “Ngọc Trản thần công”, ngoài ý chí kiên định nghiệp võ, cần phải mưu lược, đặc biệt phải trọng nghĩa khí. Cái căn cốt đó đã ăn sâu và được truyền qua bao đời võ nghiệp nhà họ Trương. Vì vậy, tại võ đường của họ Trương luôn thờ Quan Vân Trường (nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa) để nhắc nhở môn đệ học võ phải trọng nghĩa, để hành hiệp trượng nghĩa. Đặc thù của tuyệt kỹ này, phải ra đòn liên tục trong chớp nhoáng khiến đối phương không kịp trở tay.
Cái tên võ đường Phi Long Vịnh cũng bắt nguồn từ tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công”. Năm 1970, trong chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, võ sư Vịnh biểu diễn bài “Ngọc Trản thần công”. Chứng kiến quyền cước biến hóa trên một chiếc chiếu nhỏ nên người xem trầm trồ, thán phục và vinh danh là thế võ “Phi Long” (tức rồng bay). Từ đó, ông lấy tên này đặt cho võ đường.
Tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công”
Trong cuộc đời, võ sư Trương Văn Vịnh chỉ 2 lần dùng tuyệt kỹ “Ngọc Trản thần công” để hạ các đối thủ nước ngoài khi thượng đài. Thế nhưng, thế võ này vẫn vanh danh khắp chốn.
Năm 1962, võ sư Trương Văn Vịnh đang dạy võ tại Vũng Tàu thì một võ sư người Cao Miên tên Thạch Khen (dạy boxing) đến khiêu chiến. Vốn coi thường võ cổ truyền Việt Nam nên vừa nhập cuộc, võ sư Khen đã dùng sức mạnh tấn công tới tấp khiến ông Vịnh chịu rất nhiều áp lực. Né đòn không kịp, võ sư Vịnh “dính” nhiều đòn trời giáng từ đối thủ. Bí thế, ông nhanh chóng áp sát dùng “Ngọc Trản thần công” điểm vào các huyệt đạo của đối thủ với tốc độ nhanh nhạy, khiến Thạch Khen ngã gục, bất tỉnh trên sàn đài. Sau trận đấu, Thạch Khen đầu hàng trong tình trạng bị bay mắt, thủng màng nhĩ...
Con cháu dòng họ Trương rất ham luyện võ, cha truyền con nối, cứ thế đam mê nối tiếp đam mê. Thấy vậy nên tôi cũng yên tâm, dòng họ võ nhà họ Trương rồi sẽ có thế hệ kế nghiệp xứng đáng. Giờ đây, dòng họ nhà tôi đang có 5 thế hệ còn sống theo võ nên có tên gọi là “Ngũ đại đồng đường”.
Võ sư Trương Văn Vịnh
|
Đến năm 1968, võ sư Vịnh có cuộc tỉ thí với một võ sư taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc (đang huấn luyện võ cho sư đoàn Mãnh Hổ) tại Gia Lai. Vào cuộc, lợi dụng chân dài, võ sư taekwondo đá liên tiếp vào đối phương. Khi ấy chân của võ sư này rất mạnh nhưng đòn tay lại yếu ớt. Nắm bắt được nhược điểm, võ sư Vịnh áp sát, sử dụng hổ trảo, một chiêu trong “Ngọc Trản thần công”, móc vào mạng sườn, sau đó kéo xuống bụng, đánh vào vùng gan. Bất ngờ với thế đánh “độc chiêu”, võ sĩ Hàn Quốc no đòn và ngã gục trên sàn đấu. “Khi đã dùng “Ngọc Trản thần công” thì phải ra đòn liên hoàn, không thể nương tay”- võ sư Vịnh tiết lộ.
Năm 2007, Tổng hội Quán khí đạo (Qwuan Ki Do) mời võ sư Trương Văn Vịnh sang Italia biểu diễn võ thuật trong dịp khai mạc đại hội lần thứ 4 của môn phái. Ông biểu diễn bài “Ngọc Trản thần công” khiến hàng trăm võ sư của gần 40 nước trên thế giới trầm trồ thán phục. Lần đó, chưởng môn của Quán khí đạo là võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng ông 3 chữ “Đại danh sư”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.