Kỳ thi tuyển phó hiệu trưởng tại TP.HCM: 3 ứng viên đầu tiên trình bày đề án

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 22/11/2022 11:44 AM (GMT+7)
Sau khi vượt qua vòng 1, ba ứng viên ứng tuyển vị trí Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) bước vào vòng thi trình bày đề án.
Bình luận 0

Sáng nay 22/11, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức vòng 2 kỳ thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng 3 trường THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) và THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ).

Trong đó, 3 ứng viên ứng tuyển vị trí Phó Hệu trưởng Trường THPT An Nghĩa sẽ bước vào vòng thi trình bày đề án đầu tiên.

Kỳ thi tuyển phó hiệu trưởng tại TP.HCM: 3 ứng viên đầu tiên trình bày đề án - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kỳ vọng ngành giáo dục sẽ có những lãnh đạo tốt để đưa xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất. Ảnh: MQ

Có mặt tại kỳ thi này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, thông qua kỳ thi này, ông hy vọng thầy cô có điều kiện để soi lại mình, hoàn thiện bản thân tốt hơn. Các thầy cô vượt qua kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần làm việc, đóng góp vì sự phát triển của trường cũng như cho ngành giáo dục thành phố.

"Chúng ta không mong muốn gì hơn là xây dựng môi trường giáo dục thật tốt, hướng đến học sinh, làm sao để các em học sinh được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất, với sự minh bạch, công khai, trung thực, trang bị cho các em những kiến thức... Chọn được người lãnh đạo tốt sẽ là điều kiện tiên quyết để giúp thực hiện được những mục đích này", ông Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, với mong muốn thành phố có được đội ngũ cán bộ quản lý các trường THPT vừa có năng lực chuyên môn vừa giỏi nghiệp vụ quản lý, có trình độ để chuyển đổi mô hình quản lý, hướng đến việc phát triển nhà trường, hội nhập quốc tế trong thời gian tới..., các ứng viên phải xây dựng được đề án thể hiện rõ yêu cầu này.

Kỳ thi tuyển phó hiệu trưởng tại TP.HCM: 3 ứng viên đầu tiên trình bày đề án - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM đánh giá cao năng lực của các ứng viên dự thi chức danh lãnh đạo, quản lý. Ảnh: Y.H

Ông Hiếu cho biết thêm, trong ngày hôm nay, 3 ứng viên ứng tuyển vào chức danh Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa sẽ có thời gian không quá 40 phút trình bày phần thi đề án. Sau đó, 3 ứng viên sẽ tham gia trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo với thời gian không quá 30 phút. Điểm chấm của ứng viên sẽ là điểm bình quân của 11 giám khảo. Trong đó, nếu điểm của giám khảo có tỷ lệ lệch cao hơn hoặc thấp hơn điểm bình quân từ 20% trở lên thì sẽ không lấy kết quả này.

Trao đổi với báo chí, thầy Phạm Hải Dương - giáo viên Trường THPT An Nghĩa, ứng viên ứng tuyển vào vị trí Phó Hiệu trưởng trường THPT An Nghĩa cho biết, thầy rất kỳ vọng vào sự đột phá thi tuyển vị trí lãnh đạo quản lý ngành giáo dục lần này. Theo thầy Nghĩa, kỳ thi không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên trẻ thể hiện năng lực bản thân mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tại các đơn vị trường học. Đây là kỳ thi tuyển chức danh quản lý đầu tiên của ngành giáo dục tại TP.HCM nên cũng có ý nghĩa đặc biệt, nó thay đổi tư duy về quy trình bổ nhiệm theo phương thức cũ.

Kỳ thi tuyển phó hiệu trưởng tại TP.HCM: 3 ứng viên đầu tiên trình bày đề án - Ảnh 4.

Thầy Phạm Hải Dương - giáo viên Trường THPT An Nghĩa đang trình bày đề án của mình. Ảnh: MQ

Bên cạnh đó, các giáo viên có nhiều năm làm việc tại trường nên khi ứng tuyển chức danh quản lý của trường sẽ có nhiều thuận lợi để xây dựng, phát triển. Cụ thể, thầy Dương cho rằng, bản thân thấy rõ những tồn tại, hạn chế của trường để xây dựng Đề án Nhiệm vụ công tác phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT An Nghĩa được sát sườn nhất trong kỳ thi.

"Trong phần thi trình bày đề án, trước những mặt hạn chế đang tồn tại ở Trường THPT An Nghĩa như địa bàn trú đóng có nhiều khó khăn, việc thực hiện xã hội hóa gặp nhiều hạn chế, cần phải nâng cao chất lượng dạy học, tôi đưa ra một số giải pháp khắc phục. Trong đó có thể kể đến như cần xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động tài trợ, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, hội nhóm để thực hiện hiệu quả xã hội hóa. Về công tác chuyên môn, cần cải thiện bằng cách đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới kiểm tra đánh giá", thầy Phạm Hải Dương nói.

Trước đó, vào ngày 29/10, 12 ứng viên đã dự thi tại vòng 1 kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Kết quả, có 11 ứng viên đủ điều kiện tham gia vòng 2 - phần thi trình bày đề án. Ở vòng 2, các ứng viên sẽ thi từ ngày 22 đến 26/11, lần lượt là các trường Trường THPT An Nghĩa (3 ứng viên), THPT An Nhơn Tây (3 ứng viên) và THPT Quang Trung (5 ứng viên).

Đánh giá kết quả vòng thi đầu tiên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, phần thi kiến thức chung của ứng viên khá tốt, có 11/12 ứng viên đạt yêu cầu bước vào vòng 2.

Vị lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, đơn vị này thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đảm bảo thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ, đảm bảo hồ sơ, các yêu cầu tiêu chuẩn về phẩm chất, chính trị, đạo đức. Đánh giá chặt chẽ để tạo sự cạnh tranh, tạo được nền tảng trong quy hoạch nguồn cán bộ quản lý sắp tới, thay đổi hình thức bổ nhiệm cấp phó ở các đơn vị trực thuộc sở, tạo được niềm tin cho các năm sau khi thành phố tiếp tục mở rộng thí điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem