Trước, trong và sau khi sinh sản, không chỉ lợn mẹ mà lợn con cũng được chăm sóc theo những chế độ phù hợp. (Ảnh: Hồng Liên)
1. Đặc điểm sinh lý của lợn con sau cai sữa:
- Lợn con dễ bị căng thẳng (stress) sau cai sữa vì thiếu lợn mẹ và khẩu phần thức ăn bị chuyển đổi từ sữa sang thức ăn khô.
- Bộ máy tiêu hóa của lợn con vẫn chưa phát triển đầy đủ, dễ bị mắc bệnh về tiêu hóa.
- Khả năng điều hòa thân nhiệt của lợn còn kém, sức đề kháng cơ thể chưa cao.
Người chăn nuôi cần hiểu biết những đặc điểm sinh lý trên ở lợn con để có kỹ thuật nuôi dưỡng sao cho phù hợp.
2. Bố trí lợn con sau cai sữa trong chuồng nuôi
Lợn bố trí nuôi trong cùng một ô chuồng cần tương đương về độ tuổi và khối lượng để đảm bảo đàn lợn phát triển đồng đều. Nhu cầu diện tích chuồng nuôi 0,4-0,45 m2/con. Mật độ khuyến cáo nên nuôi từ 10-25 con/1 ô chuồng, nhốt quá đông lợn dễ đánh nhau và khó kiểm soát khi có lợn ốm.
3. Thức ăn cho lợn con sau cai sữa
Chất lượng thức ăn cần có dinh dưỡng cao (protein thô cần 17-18% năng lượng trao đổi 3100 kcal/kg thức ăn hỗn hợp), dễ tiêu hóa (dùng các loại thức ăn như bột ngô, bột gạo, bột hoặc khô đỗ tương, bột cá nhạt).
Chế độ ăn cần phù hợp với đặc điểm sinh lý lợn con ở giai đoạn này và khuyến cáo như sau: Không thay đổi loại thức ăn vào ngày trước cai sữa, ngày cai sữa và 3-4 ngày sau cai sữa. Khi thay đổi thức ăn thì thực hiện từ từ trong vòng 3-4 ngày liền (theo trình tự giảm dần thức ăn cũ, tăng dần thức ăn mới, sau 4 ngày mới cho lợn chuyển sang ăn hoàn toàn thức ăn mới).
Cần thực hiện kỹ thuật cho lợn con sau cai sữa ăn hạn chế để phòng ngừa lợn chết do bệnh E.coli dung huyết (bệnh phù đầu lợn con), (cơ chế gây bệnh xem ở phần thú y). Cách cho ăn hạn chế trong 4 ngày đầu cụ thể như sau: Ngày cai sữa giảm đi 1/2, ngày tiếp theo giảm đi 1/3, ngày tiếp theo nữa giảm đi 1/4, ngày tiếp theo nữa trở về mức ăn như trước cai sữa, sau đó tăng dần lượng thức ăn theo khả năng ăn được của lợn con. Thức ăn chia ra nhiều lần trong ngày (4-6 bữa).
* Nước uống: Cấp đủ nước uống sạch và mát, thiếu nước lợn con ăn kém ngon miệng, chậm lớn, đánh nhau.
4. Tiêm phòng cho lợn con
Biện pháp kỹ thuật phòng ngừa bệnh tiêu chảy và viêm phổi ở lợn con sau cai sữa có thể tóm tắt gồm: Đảm bảo chất lượng thức ăn tốt, nuôi đúng kỹ thuật, vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên, chuồng trại thoáng, đủ ấm, phát hiện bệnh kịp thời.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Theo 100 nghề cho nông dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.