Ký ức hào hùng: Hà Nội đón chào đoàn quân chiến thắng 70 năm trước
Ký ức hào hùng: Hà Nội đón chào đoàn quân chiến thắng 70 năm trước
Long Nguyên (tổng hợp)
Thứ năm, ngày 10/10/2024 08:30 AM (GMT+7)
Cách đây 7 thập kỷ, đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có không ít người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô từ đã tiến vào tiếp quản Hà Nội trong không khí rộn ràng, hân hoan và tràn ngập niềm tự hào của cả quân và dân tại mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Sự kiện lịch sử Hà Nội đón chào đoàn quân chiến thắng
Tròn 70 năm trước, đoàn quân chiến thắng từ 5 cửa ô tiến vào Hà Nội. Đây là sự kiện lịch sử, mang tính bước ngoặt và có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra thời kỳ mới rất vẻ vang trong lịch sử hào hùng với những dấu ấn rất riêng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 9/10/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra bản Nhật lệnh cho các đơn vị vào thành và nêu rõ: "Nhiệm vụ tiếp quản rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ gìn trật tự an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân luôn nêu cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại".
Thực hiện kế hoạch tiếp quản, từ 5 giờ sáng đến 16 giờ ngày 9/10/1954, các đơn vị được giao nhiệm vụ lần lượt tiến vào các vị trí để tiếp nhận bàn giao của đối phương. Theo kế hoạch của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ngoài lực lượng tự vệ làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội vào Thành phố, tự vệ tại chỗ có nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ đội trong việc tiếp nhận bàn giao của đối phương, đảm bảo bàn giao đầy đủ, hạn chế những thất thoát có thể xảy ra, nhất là các công trình phục vụ công cộng, như điện, nước, thông tin, bưu điện.
Cuối ngày 9/10/1954, ta tiếp thu hoàn toàn Hà Nội một cách nhanh gọn và trật tự.
Ngày 10/10/1954, đại quân ta từ 5 cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Mỗi cánh quân tiến vào Hà Nội đều có các cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Hà Nội làm nhiệm vụ dẫn đường. Tại các tuyến đường có đoàn quân đi qua, tự vệ cùng các đoàn thể cách mạng trên địa bàn tổ chức giữ gìn an ninh trật tự.
Hướng Tây Bắc, theo đường số 32, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, đơn vị chiến thắng anh dũng ở Liên khu 1 trong 60 ngày đêm mở đầu Toàn quốc kháng chiến vinh dự được dẫn đầu hàng quân trở về giải phóng Thủ đô. Trung đoàn xuất phát lúc 8 giờ từ Quần Ngựa theo Ô Kim Mã, tiến qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi tiến vào thành Hà Nội qua đường Phan Đình Phùng.
Hướng Đông Nam, theo đường số 1A, một mũi bộ binh liên quân gồm Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36, từ Việt Nam học xá, lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, chợ Hôm, Hồ Hoàn Kiếm, đến tập kết ở hai khu vực Đồn Thủy và Đấu Xảo.
Hướng Tây Nam là Đoàn chỉ huy tiếp quản gồm 100 xe hơi, xuất phát từ Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng, một bộ phận đi theo Nhà thương Bạch Mai lên Ô Kim Liên rồi lên Hàng Lọng, cùng với cánh quân từ phía Cầu Giấy tiến vào Cửa Nam rồi đi theo đường Hàng Bông, Hàng Gai tiến lên Bờ Hồ. Bộ phận còn lại là đoàn xe chỉ huy từ Ngã Tư Vọng đi dọc theo đường Đại La sang Ngã Tư Trung Hiền, lên Ô Cầu Dền, phố Huế, Hàng Bài và hội quân với hai cánh kia ở Bờ Hồ.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Chỉ huy trưởng Chiến khu 11, người vạch kế hoạch và chỉ huy quân và dân Hà Nội chiến đấu oanh liệt mở đầu Kháng chiến toàn quốc 8 năm trước đây, nay lại trực tiếp chỉ huy đội quân trùng điệp trở về tiếp quản giải phóng Thủ đô. Tiếp theo là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố, rồi đến xe của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308.
Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Hai mươi vạn nhân dân Hà Nội quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ xuống đường đón mừng chính quyền và quân đội cách mạng. Tiếng trống, tiếng pháo, tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường. Ảnh Bác Hồ được treo ở những nơi trang trọng nhất trong Thành phố. Cửa hàng, cửa hiệu trang hoàng lộng lẫy. Nhà nào cũng treo cờ, chăng đèn, kết hoa. Phố nào cũng có một hai cổng chào và khẩu hiệu.
Đoàn quân đi giữa biển người, rừng cờ, rừng hoa. Các phóng viên báo chí, các hãng thông tấn nước ngoài, nhiều ngoại kiều cũng có mặt ở Hà Nội để chứng kiến giờ phút lịch sử này. Lúc này Bộ Tư lệnh Đại đoàn 350 cùng hai Trung đoàn 254 và 53 cũng lần lượt tiến qua Giáp Bát, Ngã Tư Vọng đến sân bay Bạch Mai, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ bảo vệ Thành phố.
Cả Hà Nội dồn về khu Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Trên tầng tháp cao nhất của Cột Cờ, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các "chiến sĩ cảm tử Thủ đô" đứng thành một hàng danh dự, tượng trưng cho ý chí kiên quyết bảo vệ Thủ đô. Hàng vạn nhân dân các khu phố tập trung xung quanh sân vận động, nghiêm trang dự lễ.
Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử bài "Tiến quân ca". Tiếng nhạc vừa dứt, đồng chí Vương Thừa Vũ nhân danh Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô Hà Nội: "8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi".
Như vậy, sau một thời gian đấu trí, đấu lực quyết liệt với địch, ta tiếp thu tuyệt đối an toàn, nhanh gọn toàn bộ thành phố Hà Nội, bao gồm hàng loạt các căn cứ quân sự cùng 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được nguyên vẹn. Lực lượng vũ trang Thủ đô góp phần tích cực trong quá trình tiếp quản này.
Sinh hoạt của nhân dân được nhanh chóng ổn định, các ngành phục vụ công cộng vẫn hoạt động đều. Giao thông liên lạc giữa Hà Nội với các nơi được giữ vững, trật tự trị an được đảm bảo. Các tổ chức Đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể và lực lượng vũ trang địa phương có điều kiện để nhanh chóng củng cố phát triển, phát huy tác dụng trong việc quản lý thành phố, phục hồi và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn. Một nửa đất nước được giải phóng. Hà Nội trở lại là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thắng lợi chung của quân dân cả nước, lực lượng vũ trang Thủ đô góp phần quan trọng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao cho.
Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính. Trên cổng còn ghi dòng chữ : " Đông Hà Môn" nghĩa là cửa Đông Hà, nhưng dân gian vẫn gọi đây là Ô Quan Chưởng.
Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Đây đồng thời là nút giao thông vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của Hà Nội.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.