Kể về lai lịch chiếc hộp này, giọng anh chùng xuống: “Cha mẹ sinh 10 người con, tôi là con thứ 7. Trong số 6 anh em trai, có 4 người gia nhập quân đội. Đi bộ đội đầu tiên là người anh thứ 2 của tôi, anh Võ Văn Quỳnh. Anh Quỳnh sinh năm 1945, học xong cấp 2 thì ở nhà, tham gia công tác địa phương, làm Bí thư đoàn xã. Hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, anh cùng bạn bè viết đơn xung phong lên đường khi vừa bước sang tuổi hai mươi. Ngày anh lên đường, tôi mới 5 tuổi, cứ nài nỉ xin theo mẹ đi tiễn.
Từ ngày anh đi, mẹ ít nói hẳn, vào ra thẫn thờ. Có đêm thức giấc, tôi thấy bà ngồi bất động, ngó trân ra khoảng không sau ô cửa nhỏ. Gần 2 năm sau, gia đình tôi mới nhận được thư anh gửi về từ chiến trường. Anh bảo đang công tác ở một đơn vị công binh chuyên mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm trên đường Hồ Chí Minh, đoạn ngang qua Quảng Bình - Quảng Trị. Cuối năm 1968, đơn vị gửi giấy báo tử, báo tin anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, kèm theo di vật là chiếc ba lô đã cũ. Trong ba lô ngoài quân tư trang, có một chiếc hộp nhỏ, bằng thiếc, bên ngoài sơn màu xanh, dùng đựng thuốc quân y cho chiến sĩ. Mẹ tôi gầy sọp đi, bà đặt chiếc hộp lên bàn thờ và thường xuyên hương khói. Năm 1966, người anh thứ ba là Võ Văn Trạng vào quân ngũ, đến năm 1971 thì hy sinh ở Đường 9 Nam Lào, đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Năm 1972, người anh thứ năm - Võ Văn Hòa tiếp tục tòng quân, phục viên năm 1981, hiện nay là Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Trạch.
Mẹ thường bảo, trong nhà tôi giống anh Quỳnh nhất, từ tướng đi đứng đến nét mặt khi nói, cười. Năm 1980 tôi gia nhập quân đội, mẹ trao cho chiếc hộp thiếc và dặn: “Con đi chân cứng đá mềm, ráng phấn đấu bằng anh bằng em!”. Từ đó, chiếc hộp luôn bên tôi trên những chặng đường công tác, nhiều lần giúp tôi và đồng đội vượt qua cơn sốt rét ác tính…
Mẹ mất năm 1983 lúc tôi đang học sĩ quan nên không về kịp đám tang. Vừa qua, Nhà nước đã truy tặng mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi mang chiếc hộp về thắp hương trước bàn thờ người, thầm khấn: “Mạ ơi, suốt 34 năm qua con luôn ghi tạc và thực hiện đúng lời mẹ dạy, sống xứng đáng là người lính Cụ Hồ, xứng đáng là con trai của mạ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.