Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 03/09/2021 10:00 AM (GMT+7)
Hơn 50 trẻ sơ sinh là con của những người không may mắc Covid-19, tạm thời cách ly khỏi ba mẹ khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Những trẻ này đã được các "mẹ" có tấm lòng và trái tim yêu thương chăm sóc.
Bình luận 0
Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0 - Ảnh 1.

Em bé cảm thấy bình yên khi nằm trong vòng tay âu yếm của các các "mẹ". Ảnh: Chinh Hoàng.

Hơn 50 trẻ sơ sinh là con của những người không may mắc Covid-19, tạm thời cách ly khỏi ba mẹ khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Những trẻ này đã được các "mẹ" có tấm lòng và trái tim yêu thương chăm sóc.

Có nỗi buồn nào hơn khi chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau đến khi con lọt lòng người mẹ lại không thể bên cạnh chăm sóc con. Đứng trước thực trạng quá tải trẻ sơ sinh bình thường, Bệnh viện Hùng Vương đã nhận được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP.HCM thành lập Trung tâm HOPE. 

Trong vòng 1 tuần, cùng với sự chung tay của UBND quận 5, Trường Mầm non Họa Mi 2 và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương đã đưa hàng chục bé về trung tâm này để chăm sóc.

Buồn vui lẫn lộn

Bên trong Trường Mầm non Họa Mi 2, nơi vốn dĩ yên bình trong suốt kì nghỉ dài, giờ đã trở nên rộn ràng hơn với tiếng khóc oe… oe… của các bé, tiếng bú bình và những bước chân vội vã của các bảo mẫu.

Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0 - Ảnh 2.

Bảo mẫu Lê Ngọc Kim Tuyền - sinh viên 4 đang cho bé bú sữa. Ảnh: Chinh Hoàng.

Tiếp xúc với phóng viên, chị Bạch Ngọc Mai Yến cho biết, mình đã có một bé 13 tuổi và một bé 4 tuổi, hiện tại chồng chị đang chăm sóc 2 bé tại nhà. Khi biết được thông tin này qua Hội Phụ nữ, hiểu được hoàn cảnh của các bé, chị đã không ngần ngại đăng ký hỗ trợ cho các bé ngay.

Công việc hàng ngày của chị là cho các bé ăn, tắm, thay tã rồi chăm sóc các bé khi có những vấn đề phát sinh.

"Tôi đã có gia đình nên cũng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ. Do đó, khi tình nguyện vô đây, tôi không thấy có khó khăn gì, chỉ sợ có quá nhiều bé chúng tôi không đủ nhân sự để lo. Khi các bé khóc òa lên cùng một lúc, lúc đói cũng cùng một lúc, thành ra mọi người phải rất cố gắng để thuần  thục", chị Yến nói.

Chia sẻ kinh nghiệm làm bảo mẫu, chị Yến cho hay, người đi trước bảo người đi sau, trước đó bệnh viện đã tập huấn những kiến thức cơ bản rồi. Trường hợp cần thiết sẽ có bác sĩ hỗ trợ.

Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0 - Ảnh 3.

Mỗi bé vào Trung tâm HOPE đều được đánh số để nhận diện và còn mang vòng thông tin của mẹ. Ảnh: Chinh Hoàng.

Bệnh viện Hùng Vương với vai trò là chủ quản, sẽ cung cấp các quy trình chuyên môn cũng như tập huấn cho các cô bảo mẫu là những tình nguyện viên về kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh. Tổ chức thăm khám hàng ngày, chuẩn bị các phương tiện cấp cứu khi cần. Đặc biệt, công tác giao nhận trẻ cho người thân cũng đã được xây dựng quy trình chặt chẽ để đảm bảo tránh nhầm lẫn và an toàn cho trẻ.

"Khi đã quen các bé rồi, nhiều bố mẹ đã khỏi bệnh đến trung tâm đón con về khiến tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải xa các bé, vui vì các bé được đoàn tụ với gia đình", chị Yến kể.

Cũng là thành viên trong đội "bảo mẫu" tình nguyện, chị Võ Trần Thanh Phương - giáo viên một trường tiểu học ở quận 5 cho  hay, nghe được thông báo của Ban Thiếu nhi Thành đoàn và cảm thấy đây là hoạt động ý nghĩa, tức tốc chị Phương đã đăng ký tham gia.

"Các bé sinh ra trong thời gian này có mẹ hoặc là cả gia đình ba, ông bà đều F0  thành ra không thể chăm sóc nên các bé được lưu giữ lại bệnh viện.  Hiện tại, số lượng bé ngày càng đông dẫn đến quá tải. Vì thế, tôi muốn góp một chút công sức của mình để chia sẻ với các y, bác sỹ. Đồng thời, các bé có thêm tình thương trong lúc vắng mẹ", chị Phương nói.

"Mẹ" của 50 trẻ sơ sinh

Nhiều người trong số những "bảo mẫu" tình nguyện tự tin rằng, sau thời gian này họ sẽ thêm nhiều kinh nghiệm để chăm chính con mình.

Cầm trên tay bình sữa, khẽ gõ nhẹ, miệng à ơi nhẹ nhàng "A... dậy rồi à. Cục vàng của mẹ dậy rồi. Bây giờ đi bú sữa nha... ", một tình nguyện viên âu yếm với bé.

Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0 - Ảnh 5.

Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ngụ tại Q. Gò Vấp, TP.HCM) vì ít chuyến bay nên đã tình nguyện chăm bé sơ sinh tại trung tâm. Ảnh: Chinh Hoàng.

Bế một cháu bé khoảng 20 ngày tuổi, Lê Ngọc Kim Tuyền, sinh viên năm 4 của một trường đại học trên địa bàn TP.HCM đang thành thạo thay tã. Tuyền làm nhiều việc cùng lúc, vừa cho các bé bú, vừa chăm bé ngủ, thức đêm hôm còn hơn một người mẹ "bỉm sữa" chính hiệu.

"Cứ cách 3 tiếng sẽ cho bé bú một lần. Gần đến thời gian bé bú mà vẫn chưa dậy thì sẽ đánh thức sớm trước khoảng 20 phút, pha sữa sẵn. Tùy bé sẽ có bé bú nhanh, bú chậm cho nên mình phải kiên nhẫn một tí, vừa cho bé bú vừa nói chuyện với bé.  Khi bú xong, mình sẽ bế bé chơi một lúc nữa. Ban ngày cho bé ngủ 2 tiếng và một tiếng chơi để ban đêm bé còn ngủ được nữa. Nếu ban đêm mà bé không ngủ được thì sẽ rất vất vả cho các chị trực ca đêm", Tuyền chia sẻ.

"Vất vả nhất khi chăm sóc các bé là trực đêm. Ban đêm thường mọi người sẽ trông nhiều bé một lúc, khi bé này khóc đến bé kia khóc phải chạy đi tùm lum suốt cả đêm vậy. Đầu tiên là tới cử bú của bé, bé sẽ khóc người trực thì lại rất ít, cho nên sẽ dẫn đến việc cho bú không kịp đồng loạt một lần. Mình phải cho bé này bú xong mới đến lượt bé khác nên mới có hiện tượng các bé cùng nhau khóc như vậy", Tuyền nói thêm.

Chị Tuyền cho biết, chị tham gia làm bảo mẫu vì muốn dành tình thương cho các bé. Sáng chủ nhật tuần trước thấy thông báo gọi đăng kí thì chiều đó chị dọn vào đây luôn.

"Trước khi đến với công việc này, tôi cũng có đi làm thêm. Tuy nhiên để Sài Gòn trở lại trạng thái như cũ, mỗi người nên đánh đổi xíu cùng chung tay giúp thành phố nhanh chóng khỏi bệnh", Tuyền tâm sự.

Ở trung tâm, hầu hết các bé đều chưa được đặt tên, chân vẫn còn đeo thẻ nhận diện được bệnh viện gắn từ lúc mới lòng mẹ.

Trò chuyện với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - nhân viên Khoa Sơ sinh Bệnh viện Hùng Vương cho biết bà đã đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 1/2020 nhưng được bệnh viện giữ lại trong thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Làm "mẹ" của hàng chục trẻ sơ sinh có ba mẹ là F0 - Ảnh 7.

Một bảo mẫu tình nguyện đang "nói chuyện" với bé tại trung tâm. Ảnh: Chinh Hoàng.

Tại trung tâm HOPE, nữ hộ sinh Hồng làm nhiệm vụ hướng dẫn việc chăm sóc trẻ và các kỹ năng xử lý tình huống cấp cứu cho các tình nguyện viên.

Bà Hồng hướng dẫn cho các bảo mẫu các vấn đề đơn giản như cách cho bú, cách tắm cho em bé, cách đánh giá tình trạng sức khỏe của bé; làm sao để phát hiện sớm những bất thường ở trẻ, động tác cấp cứu tại chỗ khi bé sặc sữa...

"Đáng lẽ những bé vừa mới sinh phải được ở trong vòng tay ba mẹ, nhưng vì dịch bệnh mà các bé phải ở đây, thậm chí có bé đã xa mẹ ruột của mình vĩnh viễn, khiến chúng tôi càng thương nhiều hơn. Chỉ mong sao các bé luôn được khoẻ mạnh, sớm được đoàn tụ với gia đình", Bà Hồng chia sẻ.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem