Làng cổ độc nhất vô nhị, dân quanh năm nói chuyện gây cười thuộc tỉnh nào của Việt Nam?

Thứ ba, ngày 26/05/2020 14:43 PM (GMT+7)
“Làng cười Văn Lang” (xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bao đời nay nức tiếng gần xa bởi sở hữu kho tàng văn học đồ sộ trường tồn với thời gian và là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách con người vùng Đất Tổ linh thiêng.
Bình luận 0

Theo sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên trong làng, thuở xưa khi khai thiên lập ấp, Văn Lang xưa (nay là xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là ngôi làng có nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ, người dân trong làng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. 

Trải qua bao dâu bể của thời gian văn nghệ nông nghiệp làng Văn Lang được hình thành, phát triển và tích lũy từ đời này sang đời khác, tạo ra môi trường văn hóa lý tưởng để người dân trong làng sáng tạo các tác phẩm dân gian. 

Làng cổ độc nhất vô nhị, dân quanh năm nói chuyện...cười thuộc tỉnh nào của Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiếng cười là “thang thuốc bổ” xua tan những vất vả nhọc nhằn thường nhật của người dân làng cười Văn Lang, xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là kho tàng truyện cười, nơi chất chứa những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của người dân làng Văn Lang xưa. Khi cuộc sống nhiều khó khăn, họ dùng tiếng cười xua tan những vất vả, cực nhọc thường nhật, nuôi dưỡng niềm lạc quan, yêu đời, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Cho đến nay, nét văn hóa trong sáng tác truyện cười quần chúng này vẫn luôn được người dân trong xã gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục phát huy, để rồi mỗi khi đặt chân đến vùng đất cổ Văn Lương, người ta vẫn cất lên tiếng gọi: Làng Cười Văn Lang!

Không cầu kỳ cũng chẳng hoa mỹ, truyện cười của người dân Văn Lang chỉ đơn thuần là những mảnh ghép mộc mạc, dung dị của cuộc sống, từ lao động sản xuất đến sinh hoạt đời thường, tình yêu lứa đôi, yêu gia đình, quê hương, khát vọng tương lai,…

Tất cả đều được người dân Văn Lang ví von bằng những hình ảnh chân thực, sinh động mang đến tiếng cười, niềm vui lan toả khắp xóm làng. Những mẩu truyện dân gian như Củ sắn qua đường 24, Khoai dẻo, Thuyền đu đủ, Tay ải tay ai, Con ếch cốm… đã quá đỗi thân thuộc trong tiềm thức mỗi người con vùng đất Văn Lang.

Bao nhiêu câu chuyện tếu hài là bấy nhiêu "thang thuốc bổ" xua tan giọt mồ hôi nhọc nhằn trên những thửa ruộng, luống cày, bãi ngô, pha chút “gia vị” tinh thần cho bữa cơm sum họp thêm phần ấm cúng.

Khác với truyện cười dân gian cổ điển, ngôn ngữ xúc tác tạo ra tiếng cười trong những câu truyện của làng Văn Lang có phần phóng khoáng và linh hoạt, đan xen giữa văn xuôi và văn vần, thơ lục bát, ca dao, tục ngữ.

Bởi lẽ, những sáng tác truyện cười Văn Lang đều xuất phát từ nguồn cảm hứng ngẫu nhiên trong cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn nên ngôn ngữ sử dụng thường chồng lợp nhiều lớp từ cổ, từ địa phương, tuy giản dị mà đa chiều, đa nghĩa. 

Qua sưu tầm và chọn lọc, đến nay, “Làng Cười Văn Lang” có gần 100 mẩu truyện cười, ca dao, tục ngữ nổi bật, được người dân gìn giữ, cách tân và lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh việc sở hữu kho tàng văn học hài hước, phong phú, đa dạng “Làng Cười Văn Lang” còn lưu giữ lại nét độc đáo trong chất giọng đặc thù của địa phương. Giọng nói của người Văn Lang có thổ âm riêng biệt, khi phát âm thường khéo dài, ề à trong câu chữ, tiếng lanh lảnh, lúc trầm lúc bổng, lạc thanh tưng tửng,…

Đặc biệt, trong lối giao tiếp, hành văn người Văn Lang thường xuyên sử dụng hệ thống từ Hán Việt và từ ngữ địa phương phong phú làm điểm nhấn để thu hút người nghe, điều này đã vô tình tạo ra dấu ấn riêng trong văn hóa giao tiếp “Làng Cười Văn Lang”.

Làng cổ độc nhất vô nhị, dân quanh năm nói chuyện...cười thuộc tỉnh nào của Việt Nam? - Ảnh 3.

Thế hệ trẻ của "Làng cười Văn Lang".

 Về thăm khu chợ quê làng Văn Lang những ngày giáp Tết, tôi không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh mộc mạc, dung dị chốn làng quê yên bình, lắng nghe những ồn ào, nhộn nhịp kẻ bán người mua tấp nập, tiếng nô đùa, rộn ràng, ríu rít của đám trẻ thơ… mà còn ấn tượng bởi những lời giao bán nông sản hóm hỉnh, độc đáo của người dân nơi đây: 

“Văn Lang có cây rau rền/ Trèo lên ngọn thấy ba miền nước non”; “Làng tôi trồng loại ớt cay/ Mới ngửi ngoài vỏ lăn quay ra nhà”… 

Dẫu chỉ là những sản phẩm nông nghiệp bình dị, nhưng đặt vào những câu ca dao lại trở nên vô cùng sống động.  

Là một trong những người gắn bó với ngôi làng cổ Văn Lang hơn nửa quãng đời, ông Bùi Văn Phẩm bộc bạch: “Truyện Cười Văn Lang từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con Văn Lang. Mỗi mẩu truyện, câu ca dao, tục ngữ không đơn thuần chỉ nhằm tạo ra tiếng cười giải trí mà chất chứa trong đó là nỗi niềm, tình cảm của người dân thôn quê, lòng ngợi ca vẻ đẹp quê hương, nét văn hóa, tập quán đặc trưng, dung dị của vùng đất văn hiến ngàn đời”.

 Ngày nay, kho tàng văn học đồ sộ của “Làng Cười Văn Lang” không chỉ được biết đến qua các câu chuyện truyền miệng mà nhiều tập thơ, truyện ngắn sưu tầm truyện cười làng Văn Lang được xuất bản rộng rãi cả trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, những tiểu phẩm hài tết dựa trên cốt truyện “Làng Cười Văn Lang” được phục dựng nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của làng Việt cổ Văn Lang. 

Bà Hán Thị Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lương cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của “Làng Cười Văn Lang”, hằng năm xã Văn Lương thường tổ chức các buổi giao lưu tại các trường tiểu học và THCS trong và ngoài xã, truyền tải thông điệp giáo dục giàu giá trị nhân văn từ các mẩu truyện cười ý nghĩa, khơi gợi nét đẹp văn hóa Làng Cười Văn Lang đến thế hệ trẻ. 

"Bên cạnh đó, xã còn thành lập Đội diễn văn nghệ, thường xuyên tổ chức các buổi diễn hài kịch vào dịp lễ, Tết để người dân trong xã được thưởng thức trọn vẹn giá trị văn hóa đặc sắc của làng Việt cổ Văn Lang"

Bà Hán Thị Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Mai Bích (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem