Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng

Diệu Bình Thứ năm, ngày 28/09/2023 13:00 PM (GMT+7)
Nắng bụi, mưa bùn, hơn chục năm qua, các hộ dân sống cạnh làng đá Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) luôn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng.
Bình luận 0

Sống cảnh nắng bụi, mưa bùn khi ở cạnh làng đá Non nước

Nhiều năm qua, những người dân sống trên tuyến đường Trương Gia Mô, Phạm Như Hiền cạnh làng đá mỹ nghệ Non Nước phải sống chung với cảnh nắng bụi, mưa bùn. 

Từ lâu, tiếng ồn từ máy xẻ đá, máy mài, cưa, tiếng đục đẽo từ nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ trở thành nỗi ám ảnh của các hộ dân tại đây.

Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Ô nhiễm bụi đá tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: D.B

Ngày 28/9, ghi nhận của PV Dân Việt, đường dẫn vào làng đá mỹ nghệ Non Nước phủ kín bụi đất, xe tải lớn liên tục ra vào vận chuyển đá, mỗi khi có gió mạnh, bụi đá cứ thế bay khắp khu dân cư. Tiếng ồn từ máy cắt, đục đẽo cứ kéo dài liên tục phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của cả khu dân cư. Các pho tượng, tảng đá lớn được bày tràn lan sát đường.

Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước có 385 cơ sở sản xuất, trong đó có 20% cơ sở sản xuất cắt đá. Ảnh: D.B

Bà Phạm Thị Phượng sống trên tuyến đường Phạm Như Hiền (tổ 29, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) than phiền, để đối phó với bụi đất, nhà bà phải đóng kín cửa quanh năm. Hơn 10 năm sống trong sự ô nhiễm từ bụi bẩn, tiếng ồn của làng đá.

"Để hạn chế bớt bụi đá, gia đình tôi phải phun nước mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Nhiều cây chết khô do nguồn nước thải ngấm vào lòng đất, tôi phải tưới liên tục để cây ở khu vực trước nhà xanh tốt, cản bớt gió bụi bay vào nhà. Mùa nắng thì đường trắng tinh do bụi, mùa mưa nước bẩn đổ ra cả con đường. Người dân ở đây chỉ biết nhìn nhau lắc đầu", bà Phượng nói.

Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Phượng tưới nước trước nhà để giảm bụi. Ảnh: D.B

Nhà của ông Đặng Bê  tổ 26 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng lâm vào cảnh tương tự. Bụi đá, tiếng ồn kéo dài từ 7h sáng đến 17h mỗi ngày khiến việc nghỉ ngơi là điều xa xỉ đối với ông Bê ngay trong chính ngôi nhà của mình.

"Sống ở đây dân như chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nhiều người bị phổi cũng do hít phải bụi đá hàng ngày. Tôi mong muốn thành phố nhanh có phương án di dời làng đá ra khỏi khu dân cư càng sớm càng tốt", ông Bê chia sẻ.

Bao giờ người dân ở làng đá Non nước hết sống khổ?

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, trong làng nghề hiện tại có 385 cơ sở sản xuất, trong đó có 20% cơ sở sản xuất cắt đá là khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn nhất.

"Thực trạng chưa xử lý được trong làng nghề đó là bụi. Do ở trong làng nghề, các cơ sở sản xuất trống trải bốn bề nên không thể dùng công nghệ thu gom  một cách triệt để. Các công đoạn trước đây như cắt, mài, đục đẽo họ không dùng nước nên bụi phát tán đến môi trường. Bây giờ, các cơ sở sản xuất đá tại đây 90% các công đoạn là dùng nước để hạn chế bụi một cách thấp nhất có thể, riêng về bụi ở trong làng nghề là không thể tránh khỏi", ông Anh nói.

Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng - Ảnh 4.

Cảnh nhếch nhác tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: D.B

Theo Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, hiện nay, vấn đề vành đai cây xanh đang được UBND quận chú trọng. Các hàng rào trong làng nghề đã cách KDC đảm bảo theo quy định của Sở TN&MT thành phố. Hạn chế mức thấp nhất bụi xâm lấn ra khu dân cư ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Ban cũng đã hợp đồng với các đơn vị thu gom bột đá, tập kết về một địa điểm của ban để xử lý, riêng nước thải trong sản xuất cũng được thu gom 100% về trạm xử lý nước thải đảm bảo theo yêu cầu của quận.

Hơn chục năm bị "tra tấn" bởi bụi và tiếng ồn từ làng đá tại Đà Nẵng - Ảnh 5.

Cơ sở sản xuất cắt đá tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Ảnh: D.B

"Theo đề án của thành phố, chậm nhất là năm 2026 sẽ di dời các cơ sở này lên khu công nghiệp Hòa Nhơn. UBND quận cũng đã giao cho phòng kinh tế là cơ quan chủ trì, lập đề án trình lên thành phố chậm nhất là năm 2023, để xin ý kiến HĐND cho phép di dời một số cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm cao lên KCN Hòa Nhơn. UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đang chỉ đạo chặt chẽ vấn đề này. Dự kiến của UBND quận Ngũ Hành Sơn trong năm 2026, sau khi di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong làng nghề cũng sẽ kết hợp với BQL Danh thắng Ngũ Hành Sơn để làm tour du lịch cho du khách có thể tham quan, tìm hiểu thêm về làng Nghề đá mỹ nghệ Non Nước", ông Anh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem