Khát khao nước sạch
Là xã bãi ngang nằm sát biển nên xã Gio Hải (huyện Gio Linh) bị nước mặn xâm thực nặng nề, nạn thiếu nước sạch là cái khổ triền miên của người dân nơi đây suốt mấy chục năm qua. Hầu hết nguồn nước của các thôn trong xã đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tại thôn Diêm Hà Hạ. Ông Trần Xuân Phong-Trưởng thôn Diêm Hà Hạ than thở: “Vẫn biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nhưng không dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn thì lấy gì ăn uống, tắm giặt”.
Người dân vùng Lìa, huyện Hướng Hóa phải dùng nước suối để ăn uống, tắm giặt. Ảnh: Ngọc Vũ
Đến gia đình nào ở Gio Hải cũng thấy có giếng khoan. Khổ một nỗi, bỏ hàng chục triệu khoan giếng nhưng khoan sâu bao nhiêu thì nước càng mặn, càng nhiễm phèn bấy nhiêu. Để khắc phục, gia đình nào cũng bỏ thêm cả chục triệu xây bể lọc nước với ý nghĩ chỉ dùng tắm giặt, còn nước để nấu ăn thì phải đi mua, đi xin ở các thôn, xã khác.
“Mới đầu nhiều hộ trong thôn cố gắng đi xin, mua nước sạch ở các thôn, xã bên cạnh, nhưng được một vài tháng thì không trụ nổi, cuối cùng vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn” – ông Phong cho hay. Hậu quả là hàng chục ca bệnh về thận, dạ dày, da liễu, đường tiêu hóa…, đặc biệt còn có nhiều người chết vì ung thư có thể do ô nhiễm nguồn nước…
Ông Trần Thanh Chương- Chủ tịch UBND xã Gio Hải cho biết: “UBND xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng về xem xét và giải quyết nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín”.
Cũng như ở Gio Linh, đã hàng chục năm nay, người dân 8 xã vùng Lìa là Xy, A Túc, A Dơi, A Xing, Thanh, Thuận, Pa Tầng, Hướng Lộc thuộc huyện Hướng Hóa, phải lấy nước sông Sêpôn để ăn uống, tắm giặt dù biết nước bẩn.
Cần giải pháp hiệu quả
Theo số liệu điều tra của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến nay tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 82,92%, trong đó tỷ lệ số dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BYT đạt 33,29%. Hệ thống cấp nước tập trung có 172 công trình, trong đó 44 công trình hoạt động kém và không hoạt động chỉ đáp ứng nhu cầu của 27,64% dân số nông thôn.
Ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, tuy chất lượng nguồn nước trên địa bàn tương đối tốt nhưng vì trữ lượng nguồn nước ngầm không lớn và trữ lượng nguồn nước mặt tuy lớn nhưng phân bố không đều, địa hình hiểm trở, phân bố dân cư không tập trung, nên việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn.
“Phải ưu tiên cho vùng miền núi, bãi ngang. Có những nơi phải chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hàng chục, hàng trăm tỷ để xây dựng hệ thống nước tự chảy, nước tập trung còn hơn khoan, đào một cái giếng rẻ tiền sử dụng vài ba bữa thì vứt bỏ, người dân lại thiếu nước sử dụng. Tài nguyên nước ngày càng khan hiếm, chính vì thế cần phải tích cực, kỹ lưỡng hơn trong việc khai thác nguồn nước. Người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước”- ông Nguyễn Quân Chính cho biết.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đề án quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn, theo đó đến năm 2020 tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 95%. Nhưng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thì đây là một mục tiêu khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.