CHUỖI NGÀY ĐẤU TRÍ NGHẸT THỞ
11 giờ 30 phút trưa thứ 4 ngày 30.4.1980, nhóm phiến quân có vũ trang người Iran do tên Oan Ali Mohammed cầm đầu đã xông vào Đại sứ quán Iran tại số 16 đường Princes Gate. Bọn chúng đã khống chế viên cảnh sát Trevor Lock, bắt những người có mặt bên trong tòa đại sứ lúc đó làm con tin, bao gồm các nhân viên ngoại giao, một số khách du lịch cùng với hai phóng viên đài BBC đang chờ làm thủ tục hộ chiếu. Ba người chạy thoát nhờ trèo qua lan can và cửa sổ tầng trệt, trốn sang Đại sứ quán Ethiopia bên cạnh. Quyền đại sứ Gholam-Ali Afrouz đã nhảy qua cửa sổ tầng hai nhưng không may bị thương nên đã bị bắt lại ngay sau đó. Bọn chúng nhốt toàn bộ 26 con tin, đa số là người Iran, trong một căn phòng ở tầng 3.
Cảnh sát bao vây ngoài tòa Đại sứ Iran.
Những kẻ bắt cóc xưng là thành viên của “Mặt trận Cách mạng Dân chủ cho người Arab” (DRFLA), nhóm nổi loạn đòi thành lập một nhà nước Arab tự trị ở khu vực phía nam tỉnh Khuzestan của Iran. Kẻ cầm đầu Oan 27 tuổi, sinh viên Đại học Tehran, từng có thời gian bị cơ quan an ninh mật SAVAK của Iran nhốt giam. Tiếp đến là “phó soái” Shakir Abdullah Radhil cùng với các tên Shakir Sultan Said, Themir Moammed Hussein, Fowzi Badavi Nejad và gã ít tuổi nhất Makki Hanoun Ali.
Nhận được thông báo về vụ nổ súng, 7 sĩ quan ngay lập tức tiếp cận hiện trường, bao vây Đại sứ quán Iran nhưng đã buộc phải lùi lại sau khi có một tay súng xuất hiện ở cửa sổ đe dọa nổ súng. Lúc 15 giờ 15 phút, Oan đưa ra yêu cầu đàm phán đầu tiên với lực lượng cảnh sát qua điện thoại dã chiến. Bọn chúng yêu cầu trả tự do của 91 tù nhân chính trị Arab đang bị giam giữ ở Khuzestan cùng với lời đe dọa sẽ cho nổ tung tòa nhà nếu không hoàn thành trước trưa ngày hôm sau, 1.5.
Tại thời điểm đó, cảnh sát đã bố trí lực lượng khắp khu vực, các tay súng bắn tỉa đều đã vào vị trí. Ủy ban khẩn cấp của chính phủ Anh (COBRA) do Bộ trưởng Nội vụ William Whitelaw đứng đầu cũng được thành lập để giám sát cuộc khủng hoảng. Chính phủ Iran khi đó đã đổ lỗi cho Anh và Mỹ tài trợ cho khủng bố để trả thù cho vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran cách đó một năm. Trong tình hình đó, Thủ tướng Margaret Thatcher đã quyết định xử lý vụ bắt con tin theo luật pháp Anh.
Tên Oan Ali Mohammed (trái) gọi điện thoại cho cảnh sát.
Cuộc họp của COBRA kéo dài xuyên đêm sang tới ngày hôm sau 1.5. Trong khi đó, bọn khủng bố ra lệnh cho một con tin dùng điện thoại của đại sứ quán để gọi tới đài BBC. Gã đầu sỏ Oan đã trực tiếp nói chuyện với một phóng viên của BBC và thông báo rằng sẽ không làm hại các con tin không phải người Iran, nhưng từ chối để phóng viên nói chuyện với bất cứ con tin nào. Tại một số thời điểm trong ngày, đường dây điện thoại của tòa nhà bị vô hiệu hóa và những kẻ bắt cóc chỉ có thể liên lạc với bên ngoài thông qua điện thoại dã chiến mà cảnh sát cung cấp.
Sức khỏe con tin Chris Cramer thuộc đài BBC sáng hôm đó bất ngờ xấu đi nên đồng nghiệp của ông là Sim Harris đã được phép gọi điện thoại dã chiến xin cảnh sát cử một bác sĩ vào trong thăm khám. Đàm phán viên đã từ chối yêu cầu này và nói rằng Oan nên thả Cramer. Cuộc thương lượng chiếm gần hết buổi sáng ngày hôm đó, cuối cùng Cramer cũng được thả vào khoảng 11 giờ 15 phút và được xe cấp cứu chở thẳng tới bệnh viện. Cùng buổi sáng hôm đó, hai nhóm tinh nhuệ nhất của đội Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) đã được triển khai tới hiện trường cùng với các loại vũ khí như khí cay, lựu đạn gây choáng, thuốc nổ và súng ngắn Browning Hi-Power và súng tiểu liên Heckler Koch MP5.
Khi hạn mốc giữa trưa để thả các tù nhân Arab theo yêu cầu của bọn khủng bố sắp đến, lực lượng an ninh nhận thấy rằng các tay súng không có khả năng cho nổ tung tòa đại sứ nên đã thuyết phục Oan cho lùi thời điểm đến 14 giờ. Đến chiều, Oan đã thay đổi kế hoạch. Hắn yêu cầu các cơ quan truyền thông Anh phải phát sóng thông điệp giận dữ của nhóm DRFLA cũng như đòi gặp các đại sứ của ba nước Arab tại Anh để thảo luận cách thức đưa chúng ra khỏi nước Anh an toàn ngay sau khi thông tin được phát đi. Tại Đại sứ quán Ethiopia, các kỹ thuật viên bắt đầu khoan lỗ để cài thiết bị nghe lén và những tiếng ồn này đã được che giấu bằng “màn kịch” sửa đường ống dẫn khí ở cuối phố. Ủy ban Hàng không Dân dụng Anh cũng được lệnh để chỉ dẫn máy bay bay trên tòa đại sứ ở tầm thấp.
9 giờ 30 phút buổi sáng ngày cố thủ thứ ba (2.5), Oan xuất hiện ở cửa sổ tầng hai, dí súng vào đầu đòi tùy viên văn hóa Abdul Fazi Ezzati và yêu cầu được sử dụng hệ thống máy điện báo mà cảnh sát đã cắt đứt tín hiệu. Hắn đe dọa sẽ nổ súng nếu không được đáp ứng. Nhưng một lần nữa cảnh sát lại quyết định “nói không” nên Oan đẩy ông Ezzati ngược vào trong phòng. Hắn sau đó yêu cầu được nói chuyện với ai đó làm việc tại BBC, có quen biết nhà quay phim Sim Harris.
Các nhà đàm phán của cảnh sát đã đồng ý với yêu cầu này, họ dàn xếp đưa Tony Crabb, Giám đốc quản lý BBC và là sếp của Harris tới hiện trường. Khi trông thấy ông Crabb, Oan hét lên đề nghị được cấp máy bay chở hắn và đồng bọn cùng với các con tin ra khỏi lãnh thổ Anh an toàn, thông qua cửa sổ tầng hai và bắt BBC phải phát sóng thông điệp của chúng. Cơ quan chức năng đã liên lạc với các đại sứ quán Algeria, Jordan, Kuwait, Liban, Syria và Qatar để xem đại sứ của họ có đồng ý thương thuyết với những kẻ bắt cóc hay không. Đại sứ Jordan khước từ ngay lập tức còn 5 người kia trả lời rằng họ sẽ xin ý kiến của chính phủ nước họ. BBC đã cho phát sóng thông điệp của nhóm nổi loạn vào buổi tối hôm đó.
Mặt khác, cảnh sát đã triệu người trông coi Đại sứ quán Iran đến cung cấp thông tin cho lực lượng SAS. Người này cho biết cửa chính của tòa nhà đã được gia cố thêm một lớp thép, các cửa sổ ở tầng trệt và tầng hai đều lắp kính chống đạn cách đó vài năm. Vì vậy mà kế hoạch phá cửa để vào bên trong tòa đại sứ đã nhanh chóng bị đội phản ứng nhanh gạt bỏ và tìm kiếm phương thức khác.
Hoàng Trang (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.