CHIẾN DỊCH THỢ SĂN LÃO LUYỆN
Họ chia làm hai nhóm “Xanh” và “Đỏ” bắt đầu vào vị trí. Theo kế hoạch, cuộc đột kích diễn ra từ mọi hướng, các đặc nhiệm đồng loạt tràn vào tất cả các tầng của tòa Đại sứ quán Iran. Một đội sẽ tụt từ trên nóc xuống sau tòa nhà bằng dây thừng, cùng lúc đó bốn người khác ném một quả lựu đạn khói qua giếng trời và vào trong qua lối cầu thang nối với nóc nhà. Một nhóm sẽ cho nổ tung cửa sổ tầng hai và trèo vào qua ban công. Một nhóm khác sẽ lẻn vào từ khu vườn sau, phá cửa hiên, lục soát tầng hầm và trấn giữ lối cầu thang chính. Tốp binh sĩ này sẽ làm lực lượng dự bị cũng như tiếp nhận con tin.
Khói trắng bốc ra từ tòa nhà số 16 phố Princes Gate.
Họ tính toán sao cho thời điểm lựu đạn khói phát nổ trùng với thời điểm đội tụt dây thừng. Tuy nhiên, người tụt xuống đầu tiên đã gặp sự cố rối dây. Trong lúc hỗ trợ đồng đội, một sĩ quan đã vô tình đạp vỡ cửa sổ, đánh động những kẻ đang cố thủ bên trong. Oan ở tầng hai và bắt đầu đi kiểm tra nơi phát ra tiếng động. Chỉ huy lực lượng SAS nhận thấy kế hoạch ban đầu đã đổ bể. Mặc dù không phải tất cả các nhóm đều đã vào vị trí sẵn sàng nhưng ông vẫn quyết định hối thúc họ “Đi! Đi! Đi!” qua bộ đàm.
Nhóm trên mái nhà ném lựu đạn qua giếng trời làm rung chuyển cả tòa nhà, khói trắng bốc ra mù mịt. Một vụ nổ lớn khác đã xảy ra ở cửa sổ trước tầng hai, mở lối cho bốn lính đặc nhiệm vào trong qua phòng thư viện. Con tin Sim Harris, quay phim viên tại BBC, có mặt trong phòng lúc đó đã trốn thoát an toàn qua ban công. Di chuyển tới hành lang, nhóm SAS này đã tiêu diệt được một tên bắt cóc đang cố lẩn trốn sang căn phòng cạnh đó.
Sim Harris trèo ban công trong khi ngọn lửa bắt đầu bùng lên.
Tại một căn phòng ở tầng hai, tên đầu sỏ Oan Ali Mohammed chạy hướng ra cửa sổ. Viên cảnh sát Trevor Lock đã nhanh trí ngáng chân hắn rồi rút khẩu súng mà ông vẫn giấu kín trong người. Hai bên vật lộn một lát thì hai đặc nhiệm SAS ập vào phòng. Họ yêu cầu Lock lăn tránh sang một bên rồi ngay tức khắc nổ một tràng đạn kết liễu tên Oan.
Phía sau Đại sứ quán Iran, binh sĩ bị rối dây đang treo lửng giữa tòa nhà. Tình hình trở nên tồi tệ hơn do lựu đạn phát nổ đã bén lửa vào rèm cửa, thậm chí cháy lan sang lính đặc nhiệm đang bị mắc kẹt khiến anh này trở thành một ngọn đuốc sống. Đồng đội tìm cách cắt dây giải cứu, để anh ta rơi xuống mặt đất.
Bên trong căn phòng điện báo ở tầng ba, nhóm khủng bố bắt đầu vãi đạn bừa bãi vào các con tin, giết chết một người và làm bị thương một người. Trước khi SAS xông vào phòng, các tên bắt cóc quẳng vũ khí rồi trà trộn vào các con tin. Bằng con mắt tinh tường, lực lượng tinh nhuệ đã lôi hai hung thủ ra khỏi đám đông, đẩy chúng vào tường rồi nổ súng bắn.
Khi tất cả con tin an toàn, các nhóm SAS vào trong dẫn họ ra ngoài. Các binh sĩ xếp hàng dọc theo cầu thang chính giám sát tình hình để từng người đi xuống và thoát qua cửa sau. Giữa đoạn cầu thang, họ phát hiện thấy một tên bắt cóc lẩn trong nhóm con tin và tay nắm chặt một quả lựu đạn sát thương. Nếu nổ súng ắt sẽ không tránh khỏi thương vong cho người xung quanh nên một đặc nhiệm SAS đã đập cho hắn một nhát bằng báng súng tiểu liên. Ngay khi ngã xuống sàn nhà, hắn đã bị một tràng đạn găm vào người trong chớp nhoáng.
Các con tin được giải cứu di chuyển xuống cầu thang.
Khi ra đến bên ngoài, tất cả con tin đều bị còng tay và bị buộc nằm rạp xuống mặt đất. Cảnh sát nhẩm nhanh thấy số người này chênh lệch so với số lượng con tin, còn nhân viên BBC Sim Harris đã nhận ra một gã khủng bố giả dạng trong số đó. Một sĩ quan SAS do quá tức giận nên đã lôi hắn ra, định đưa vào trong tòa đại sứ để kết liễu hắn, nhưng đồng đội đã can ngăn kịp thời. Fowzi Nejad, thành viên duy nhất của nhóm khủng bố còn sống sót, sau đó đã nhận án tù chung thân.
Sáu ngày chờ đợi dai dẳng, thương thuyết bất thành với bọn bắt cóc đã khép lại sau 17 phút tấn công ngoạn mục. Khi tất cả con tin đã được giải cứu, lực lượng cảnh sát lại tiếp quản hiện trường để SAS rút lui. Phần lớn chiến dịch đột kích diễn ra ở mặt trước của tòa nhà đã được các phóng viên bám sát, cũng như được chiếu trực tiếp trên truyền hình.
Cuộc đột kích mang tên “Chiến dịch Thợ săn lão luyện” diễn ra ngay giữa thủ đô London năm 1980 đã đưa tiếng tăm của SAS lên tầm thế giới. Những kỹ thuật mà SAS sử dụng năm đó nhanh chóng được các đội đặc nhiệm chống khủng bố các nước học hỏi và áp dụng. Đích thân Thủ tướng Margaret Thatcher đã đến căn cứ của lực lượng SAS tại Kensington để tuyên dương chiến công của họ. Chính phủ Iran cũng đánh giá cao kết quả của cuộc giải cứu con tin, mặt khác vinh danh hai nạn nhân xấu số thiệt mạng là những người cảm tử cho cuộc cách mạng Iran.Về phần viên cảnh sát bảo vệ đại sứ quán là Trevor Lobk, ông đã được coi như một anh hùng nhờ những hành động sáng suốt trong sáu ngày bị bắt giữ. Ông được trao tặng Huân chương George - huân chương dân sự danh giá bậc hai tại Anh.
Đại sứ quán Iran đã bị hư hỏng nặng do vụ cháy xảy ra trong đợt tấn công và mãi tới cuối năm 1993 mới trở lại hoạt động.
Hoàng Trang (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.