Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lê Công Vinh từng ra mắt tự truyện với tựa đề Phút 89. Ngay chương đầu cuốn sách, cựu chân sút xứ Nghệ khiến nhiều người đọc xúc động khi kể về ba lần chết hụt của anh hồi nhỏ.
Công Vinh chào đời ngày 10/12/1985 trong một gia đình nghèo ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh là con thứ ba trong nhà, trên có hai chị gái, dưới là em gái út Khánh Chi. Bà Hồ Thị Tuệ - mẹ Công Vinh - từng nghĩ ông trời không muốn bà có con trai bởi hai lần mang bầu con trai trước đó, bà đều bị sảy thai ở những tháng cuối cùng. Ông Lê Công Duệ đặt tên con trai là Công Vinh với mong ước về một tương lai tươi sáng, mang lại điềm lành cho gia đình.
Tuy nhiên, khi mới ba ngày tuổi, Công Vinh đã phải trải qua kiếp nạn nguy hiểm tới tính mạng. Anh bị "đẻn", một chứng bệnh khiến những đứa trẻ sơ sinh cứng đờ người và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hôm đó, dì vừa tắm cho Công Vinh xong thì thấy người anh cứng ngắc và tím tái, lay cỡ nào cũng không nhúc nhích. May mắn có một người hàng xóm chỉ cho bà Tuệ cách chữa mẹo, làm Vinh khóc trở lại và thoát chết.
Công Vinh còn bị hen phế quản bẩm sinh. Đó là lý do đến tận bây giờ, khi nói chuyện thỉnh thoảng anh vẫn ho rất nhiều dù đã tốn tiền bạc và công sức chữa trị. Một lần Vinh lên cơn hen, khi mẹ đưa đến gặp bác sĩ, người anh đã lạnh toát, mặt mày tím tái. Trong lúc nguy kịch, bác sĩ đã lấy ống tiêm cỡ đại nhồi kháng sinh vào và chích thẳng trực tiếp vào phế quản của anh. Hành động mạo hiểm ấy đã giúp Vinh sống lại. Chỉ trong vòng hai tuần, Công Vinh hai lần đối mặt với cái chết và đều may mắn thoát nạn.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Công Vinh sớm phải lao động, nấu rượu, trông em, ra đồng bắt chuột, cá về cải thiện bữa ăn. Bố anh thường xuyên đi làm vắng nhà để có tiền nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ông Duệ là dân "nhảy tàu", bán hàng trên tàu rồi buôn hàng từ Hà Nội về. Công việc này của ông từng có lúc giúp cuộc sống gia đình trở nên khấm khá hơn. Năm 1996, khi Công Vinh 11 tuổi, bố anh đã mua một chiếc xe Cub giá 7-8 triệu đồng - một tài sản lớn với nhiều người dân Nghệ An thời đó.
Khi gia đình có chút tiền tích lũy, mẹ Công Vinh bắt đầu cho những người xung quanh vay để kiếm lời. Nhưng bà sau đó bị lừa hết sạch tiền, những người vay nợ bỏ trốn không thể đòi lại được. Từ chủ nợ, bà trở thành con nợ. Bố Công Vinh khi hay tin đã phải lập tức từ Hà Nội về quê, bán chiếc xe máy để trả nợ.
Mặc cảm nghĩ mình là người gây tai họa cho cả nhà, bà Tuệ nhờ chồng ở nhà chăm các con, một mình vào Quỳ Châu để buôn đá đỏ, một loại đá quý được ưa chuộng thời ấy. Bi kịch một lần nữa xảy ra khi bố Công Vinh bị xe tông trong một lần lên phố, tốn rất nhiều tiền chữa trị khiến gia đình càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần. Năm 1998, trước áp lực từ các chủ nợ, ông Duệ đánh liều đi buôn ma túy và bị bắt, nhận án 12 năm tù. Cùng thời điểm đó, mẹ Công Vinh gặp cướp trên đường, bị chúng dí dao vào cổ, trấn hết toàn bộ đá đỏ trong người, vốn liếng và công sức buôn bán mấy tháng trời mất sạch.
Trở về nhà với hai bàn tay trắng, chồng đi tù, chỉ còn lại "cái nghèo", những khoản nợ và 4 đứa con, bà Tuệ nghĩ quẩn mua thuốc chuột về định cùng các còn ăn một bữa thật no rồi cùng chết. Khi đi đá bóng về, thấy mẹ bỏ thứ gì đó vào thức ăn, Công Vinh hỏi mẹ mới biết đó là thuốc chuột. Anh ôm mẹ, quỳ khóc van xin, hứa sẽ sớm đi làm phụ giúp gia đình, cố gắng để cả nhà không không phải khổ nữa. Hai chị và em gái của Vinh nghe thấy cũng chạy xuống bếp, bốn mẹ con ôm nhau và òa khóc.
"Năm ấy tôi 13 tuổi. Thần Chết một lần nữa quyết định trở gót quay đi ở phút thứ 89. Và tôi không bao giờ quên lời hứa với mẹ ở cái tuổi 13 ấy. Đấy không chỉ là lời hứa với mẹ mà còn là lời hứa với bố. Ngày bố rời nhà để rồi phạm lầm lỗi duy nhất trong đời, tôi đã hứa sẽ không để cho mẹ và các em phải khổ. Đấy không chỉ là lời hứa suông của một đứa trẻ. Đấy là lời thề danh dự của một người đàn ông buộc phải trưởng thành trước tuổi, khi nó bắt đầu nhận ra cuộc đời sẽ chẳng cho không ai thứ gì", Công Vinh nói về lần thứ ba anh đối mặt với cửa tử.
Cũng trong năm1998, Công Vinh gia nhập lò đào tạo SLNA và chỉ 4 năm sau được đôn lên đội một thi đấu tại V-League. Năm 2003, tiền đạo xứ Nghệ đã khoác áo U23 Việt Nam và ra mắt đội tuyển quốc gia một năm sau đó. Những nỗ lực không biết mệt mỏi giúp Công Vinh gặt hái được rất nhiều thành công khi hai lần vô địch V-League trong màu áo Hà Nội T&T và Bình Dương. Anh chính là người ghi bàn quyết định ở những phút bù giờ cuối cùng, giúp tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2008, qua đó giành chức vô địch Đông Nam Á lần đầu trong lịch sử. Công Vinh từng ba lần giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam (2004, 2006, 2007) và hiện giữ kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển quốc gia với 51 bàn thắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.