Lê Quang Liêm kể hành trình “bay” cùng Aeroflot

Chủ nhật, ngày 27/02/2011 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ một cậu bé đoạt HCV cờ tướng, Lê Quang Liêm đã trưởng thành, hai lần liên tiếp vô địch giải cờ vua Aeroflot (Nga) - một trong những giải cờ vua danh giá nhất thế giới.
Bình luận 0

Cú "vấp ngã" đầu tiên

img

Lê Quang Liêm và bố tại giải cờ vua Aeroflot.

Kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất đối với tôi không phải thành công gắn với nhiều tấm huy chương các giải trẻ quốc tế, trong đó có HCB U10 thế giới 2001 (Tây Ban Nha), HCV U14 thế giới 2005 (Pháp), mà lại là cú "vấp ngã" từ năm học lớp 1.

Ngày ấy, tôi mới học những nước đi đầu tiên nhờ anh trai hơn 2 tuổi chỉ bảo qua sách "Tự học chơi cờ". Tôi háo hức thử sức trong giải đấu đầu tiên do nhà trường tổ chức. Hôm đó, khi vào phòng thi đấu tôi mới biết đây là nơi thi đấu cờ tướng chứ không phải cờ vua. Nhưng lỡ rồi, tôi cũng thi luôn, nào ngờ lại đoạt HCV.

Đến tuần sau, trường mới tổ chức thi cờ vua và tôi bị loại ngay từ ván 1 (loại trực tiếp). Lý do thua là khi chơi khoảng 15 phút, đối thủ của tôi (học lớp 3) đề nghị mỗi bên di chuyển 2 nước đi/ lần cho tiết kiệm thời gian. Tôi chưa hiểu luật và cũng chưa nhìn xa nên đồng ý.

Đối thủ đi 1 lần 2 nước chiếu bí khiến tôi đầu hàng, xếp cờ, bước ra khỏi phòng thi với cảm giác buồn khó tả. Giờ nghĩ lại, nếu không có ván thua ấy, không biết tôi có đam mê cờ vua đến thế!

Nước mắm là "thần dược"

Trong năm 2011, tôi có một số giải đấu quan trọng là giải Siêu Đại kiện tướng Dortmund vào tháng 7 (được suất tham dự qua việc vô địch giải Aeroflot 2011), World Cup tháng 8, và SEA Games tháng 11. Đây đều là những giải đấu khó khăn và tôi cần có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng... Tôi luôn hi vọng mình sẽ thi đấu tốt tại những giải này.

Những năm sau, ngoài giờ học văn hoá, tôi dường như chỉ biết đến cờ. Trong 3 tháng hè, tôi không đi học văn hoá như các bạn cùng lứa mà dành toàn bộ thời gian để luyện cờ. Cho đến nay, việc học văn hoá đối với tôi vẫn đóng vai trò quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Những tấm huy chương cờ vua luôn mang đến nhiều cảm xúc, nhưng tôi cũng rất sợ "hổng" kiến thức nếu nghỉ học nhiều.

Để hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ học văn hoá và theo đuổi cờ vua đỉnh cao thật khó khăn, đôi khi cũng cảm thấy khá mệt mỏi. Một trong những minh chứng điển hình nhất là trước kỳ thi vào cấp 3, tôi và gia đình đã phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Hoặc ở nhà ôn thi tốt nghiệp, hoặc sang Italia dự Đại hội Olympic cờ vua 2006 và phải đối mặt với những khó khăn vì kỳ thi quá sát với ngày diễn ra Đại hội, và không đủ thời gian ôn thi. Thật may là cuối cùng tôi đã được đặc cách chuyển thẳng (nhờ có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ), và có cơ hội cống hiến cho tuyển cờ vua Việt Nam...

Có một bí mật tôi muốn "bật mí" là ngoài các món cá mà hầu hết các kỳ thủ đều yêu thích, tôi còn rất thích ăn... nước mắm. Không biết có phải nhờ thứ "thần dược" đó mà tôi luôn duy trì được sự tập trung, minh mẫn khi phải ngồi bên bàn cờ hàng giờ đồng hồ "tiếp chiêu" đối thủ hay không (?!).

Chinh phục Aeroflot

Giải cờ vua quốc tế Aeroflot là một thách thức đối với mọi kỳ thủ. Tôi bắt đầu tham gia giải Aeroflot từ đầu năm 2005. Lần ấy cả gia đình tôi cùng đi với mục đích du lịch là chính. Còn những năm sau, tôi thường đi với ba (ông Lê Quang Quýnh-PV). Từ những ngày thi đấu ở bảng B, rồi lên bảng A2, đến năm 2008, tôi đã thi đấu bảng cao nhất (A1- chỉ dành cho các Đại kiện tướng quốc tế có hệ số elo từ 2.550 trở lên).

Một quá trình dài tôi được cọ xát, làm quen với những phong cách chơi rất đa dạng của các kỳ thủ tới từ khắp nơi trên thế giới. Kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên môn của tôi được cải thiện đáng kể. Các kết quả tại giải Aeroflot cũng dần thăng tiến, từ vị trí 50 chung cuộc bảng B (năm 2005) đến số 1 bảng A (2010) và lặp lại thành tích này trong năm 2011.

Chiến thắng tại giải Aeroflot rất tuyệt vời trong cuộc đời của một kỳ thủ, để lại những cảm xúc thật khó tả. Tôi đặc biệt vui mừng khi có rất nhiều kỳ thủ trong giải đến chúc mừng sau khi có kết quả.

Bước ngoặt của tôi ở giải Aeroflot 2011 là ván 4, đối đầu với hạt giống số 1, Kamsky (Mỹ, hệ số elo 2.730). Tôi đã thi đấu xuất sắc trong ván này, giành thắng lợi chỉ trong 27 nước. Chiến thắng này không chỉ giúp tôi lên vị trí dẫn đầu, mà còn tiếp thêm sự tự tin, hưng phấn. Ván đấu khó khăn nhất là ván cuối cùng đọ sức với Mamedov (Azerbajian, hệ số elo 2.660). Nếu thắng, tôi chắc chắn sẽ vô địch, nếu hoà thì còn phải phụ thuộc vào một số kết quả khác.

Việc cầm quân đen trước một đấu thủ mạnh, lại buộc phải thắng là điều rất khó. Áp lực tâm lý đè nặng khi tôi đã sai lầm để thua ở ván 8 - ván áp chót, làm cho việc bảo vệ chức vô địch trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ván cuối cùng diễn ra trong tình thế như vậy, và sự căng thẳng càng lúc càng gia tăng. Thật vui là tôi đã hoà, và các kết quả khác đều diễn ra thuận lợi.

Mơ thành doanh nhân

Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt và một nhà vô địch thế giới cờ vua. Tôi nghĩ với sự đầu tư, tập trung hết mức, mục tiêu trở thành 1 Siêu Đại kiện tướng quốc tế không quá xa vời. Từ phía Tổng cục TDTT, tôi mong rằng có sự cải thiện về quy chế để mời các chuyên gia giỏi về cùng làm việc với đội tuyển quốc gia.

Hiện nay, với mức lương quy định cho chuyên gia nước ngoài khoảng 1.500 USD/tháng, chúng ta chỉ có thể mời được các chuyên gia tầm bậc trung, chứ không thể mời các chuyên gia hàng đầu thế giới. Thay vì để chuyên gia làm việc dài hạn như hiện nay, tôi nghĩ có thể dùng nguồn kinh phí đó để mời một chuyên gia hàng đầu trong một thời gian ngắn sẽ có hiệu quả lớn hơn với các thành viên đội tuyển quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem