Tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu từ hàng chục năm trước, từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Ông Duyeon Kim, thành viên cấp cao Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên ở Hàn Quốc cho biết: “Họ cảm thấy cần phát triển một năng lực để ngăn chặn cuộc tấn công từ Mỹ”.
Sự lo ngại của Triều Tiên không phải là vô lý. Năm 1950, Tổng thống Harry Truman đã nói Mỹ “cân nhắc tích cực” việc sử dụng bom nguyên tử trong cuộc xung đột. Và kể từ Chiến tranh Triều Tiên, họ luôn giả định rằng Mỹ sẽ tấn công họ vào bất kỳ ngày nào. Cách duy nhất để họ tồn tại và không bị tấn công là phát triển vũ khí mạnh nhất Trái Đất, đó là vũ khí hạt nhân.
Một nhà máy hạt nhân Triều Tiên ở Yongbyon ngày 27.6.2008. Ảnh: Reuters
Với sự hỗ trợ của Liên Xô, Triều Tiên bắt đầu xây dựng một khu phức hợp hạt nhân. Đầu những năm 1980, nước này đã xây dựng nhà máy đầu tiên là Yongbyon.
Những ngày đầu này, Triều Tiên khẳng định mục tiêu của nhà máy Yongbyon là hòa bình. Triều Tiên trở thành thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1985 và ký thỏa thuận năm 1991 với Hàn Quốc, theo đó cả hai quốc gia nhất trí không sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hối thúc đòi tiếp cận khu vực chất thải hạt nhân của Triều Tiên, nước này cảnh báo sẽ rời NPT.
Đầu năm 1994, Triều Tiên đe dọa tái xử lý các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân – bước đi sẽ giúp nước này có đủ plutoni cho 5 đến 6 vũ khí hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã cân nhắc nhiều phản ứng khác nhau, gồm cả tấn công cơ sở Yongbyon, nhưng cuối cùng đã chọn đàm phán với Triều Tiên. Trong cơn khủng hoảng, Chủ tịch Kim Il-sung, người sáng lập Triều Tiên, qua đời. Con trai ông là Kim Jong-il lên cầm quyền.
Đến tháng 10, đàm phán đưa ra được một thỏa thuận có tên gọi “Agreed Framework” (Thỏa thuận khung). Theo đó, Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng sẽ dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Triều Tiên cũng sẽ nhận dầu và được hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện sử dụng lò phản ứng nước nhẹ (nhằm đảm bảo nhiên liệu không thể bị sử dụng cho chế tạo vũ khí).
Triều Tiên nhất trí với thỏa thuận vì tình hình địa chính trị có sự thay đổi cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Theo ông Joel Wit, thành viên cấp cao Viện Triều-Mỹ tại khoa nghiên cứu quốc tế trường Đại học John Hopkins, nguyên nhân thứ nhất là vì Triều Tiên không còn đồng minh chính là Liên Xô. Thứ hai là vì Trung Quốc chuyển sang thiết lập quan hệ tốt đẹp hơn với Hàn Quốc.
Do đó, Triều Tiên đưa ra quyết định chiến lược là nếu họ có thể có quan hệ tốt hơn với Mỹ, họ sẽ sẵn sàng trả giá bằng chương trình hạt nhân.
Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân, ngừng xây hai lò khác. Năm 1998, Triều Tiên thử tên lửa tầm trung Taepo Dong-1 với tầm bắn ước từ 1.200 đến 2.800 km nhưng thất bại. Dù vậy, quá trình đàm phán vẫn tiếp tục. Triều Tiên đồng ý tạm ngừng thử tên lửa tầm xa và tầm trung miễn là đàm phán với Mỹ vẫn tiếp diễn.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright đã tới Bình Nhưỡng năm 2000 và gặp ông Kim Jong-il. Triều Tiên hi vọng Tổng thống Clinton cũng sẽ thăm trước khi rời nhiệm sở, khiến hai nước tiến gần hơn tới bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, thời gian cạn kiệt vào cuối nhiệm kỳ của ông Clinton.
Ngoại trưởng Mỹ Albright (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000. Ảnh: Reuters
Khi Tổng thống George W. Bush nhận chức năm 2001, chính quyền Mỹ đã chuyển hướng và tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên, ngừng đàm phán và bày tỏ hoài nghi về việc Triều Tiên tuân thủ Thỏa thuận khung. Triều Tiên cảnh báo Mỹ rằng sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2002, ông Bush đã liệt Triều Tiên vào danh sách một trong ba quốc gia nằm trong “trục ma quỷ”. Cuối năm đó, hồi tháng 10, Mỹ cho rằng Triều Tiên đang bí mật làm giàu urani – cáo buộc bị Triều Tiên bác bỏ. Một tháng sau, các chuyến tàu chở dầu tới Triều Tiên theo thỏa thuận thời ông Clinton đã bị ngừng. Cuối năm 2002, Triều Tiên yêu cầu các thanh sát viên IAEA rời đất nước. Thỏa thuận khung sụp đổ.
Các chuyên gia cho rằng giai đoạn này là một cơ hội bị bỏ lỡ. Họ cho rằng giá như Triều Tiên không làm giàu urani và giá như Mỹ hành động nhanh hơn để thực hiện bổn phận của mình trong Thỏa thuận khung (như việc xây dựng lò phản ứng nước nhẹ) thì mọi chuyện có thể đã khác.
Tháng 1.2003, quan hệ Mỹ-Triều xuống một nấc thang thấp lịch sử khi Triều Tiên chính thức rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bốn tháng sau, các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên đã có ít nhất một vũ khí hạt nhân.
Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đối tác chính trong Thỏa thuận khung, không hài lòng khi thỏa thuận này sụp đổ nhưng không thể làm gì khác.
Thùy Dương (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.