Trong báo cáo mới, Liên Hợp Quốc (LHQ) nêu ra một loạt thách thức của việc chuyển giao viện trợ thực phẩm và y tế tới Triều Tiên. "Tình trạng thiếu tiếp cận các dịch vụ cơ bản bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh, và cả hạ tầng cơ sở y tế yếu kém".
Nạn đói đeo bám người dân Triều Tiên nhiều năm nay. (Ảnh: AP)
Rất may là nạn thiếu hụt lương thực hiện nay ở nước này không đến mức năm 1990, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Đối mặt với thảm họa thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt và sự hoạt động kém hiệu quả của các nông trại tập thể, Triều Tiên từ lâu đã phải đối mặt với sự bấp bênh về lương thực.
"Sự bấp bênh kinh niên về lương thực, suy dinh dưỡng ở trẻ em những năm tháng đầu đời, và thiếu dinh dưỡng nói chung đang lan rộng ở CHDCND Triều Tiên", báo cáo của Liên Hợp Quốc viết và nêu thêm: "Khoảng 18 triệu người, tương đương 70% dân số, trong đó có 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, phụ thuộc vào hệ thống phân phát khẩu phần chung gồm khoai tây và ngũ cốc".
"Lương thực chủ yếu được sản xuất ở khoảng 3.900 nông trại tập thể, với 100 nông trại nhà nước tập trung vào các hoạt động chuyên biệt như chăn nuôi lợn gà", báo cáo cho biết thêm.
Theo Liên Hợp Quốc, hiện có hơn 3,5 triệu người Triều Tiên không được tiếp cận nước sinh hoạt bền vững. Trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng thiếu đói.
Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang tìm kiếm khoản viện trợ tổng cộng 114 triệu USD để tiếp sức cho các nỗ lực nhân đạo ở Triều Tiên của 6 cơ quan Liên Hợp Quốc và 7 tổ chức phi chính phủ quốc tế, trong đó có Ủy ban Hội chữ Thập đỏ quốc tế và các cơ quan của Liên minh châu Âu.
Tuy vậy, sự tiếp cận và phân phát viện trợ cho người dân Triều Tiên hiện nay là một vấn đề phức tạp vì chính quyền nước này có những quy định kiểm soát rất gắt gao.
Thanh Hảo (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.