Từ năm 2009 đến nay đã có 45 vụ tự tử xảy ra ở 2 huyện miền núi Bình Định là Vĩnh Thạnh (23 vụ) và An Lão (22 vụ). Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng...
Trong số 45 vụ tự tử nói trên, có 27 vụ dẫn tới tử vong, 18 vụ nhờ phát hiện kịp thời nên nạn nhân được cứu sống. 20 trường hợp thuộc về đồng bào dân tộc Hrê, 17 trường hợp là đồng bào dân tộc Ba Na và người Kinh là 8 trường hợp.
|
Người đi đưa ma người tự tử khi về phải được làm phép trừ tà |
Chẳng đâu vào đâu cũng tự tử
Mọi nguyên nhân dẫn tới tự tử đều chẳng có gì to tát. Bị vợ hoặc chồng nói nặng lời -tự tử. Bị hàng xóm láng giềng chê nghèo - tự tử. Bị người yêu phụ tình - tự tử. Đi học bị cha mẹ la mắng - tự tử. Thậm chí cả cán bộ nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ, bị cấp trên kiểm điểm, thấy xấu hổ với đồng sự, cũng tự tử.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vẫn còn xem tình trạng tự tử của đồng bào dân tộc thiểu số là chuyện “nội bộ trong nhân dân” nên chẳng mấy quan tâm. Vai trò của các đoàn thể, các tổ hòa giải ở địa phương còn hạn chế trong việc can thiệp, giúp đỡ, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong cộng đồng, hộ gia đình nên chưa ngăn chặn được tình trạng này này.
Ông Hồ Quốc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
“Trong số này, có nhiều người là đảng viên, cán bộ chủ chốt của xã, hội viên Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân và đoàn viên Đoàn Thanh niên”- ông Nguyễn Đình Thanh - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, cho biết.
Ông Tô Thanh Việt - Phó Ban Dân vận huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Từ đầu năm 2010 đến nay, cả huyện xảy ra 11 vụ tự tử, chết 10 người, tăng 1 người so với cả năm 2009. Hầu hết các trường hợp này đều xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình.
Một trong những vụ đau lòng nhất, và cũng rất hi hữu là chuyện hai ông thông gia tự tử. Ông Huỳnh Nguyên ở làng L7 (xã Vĩnh Hảo) thông gia với ông K ở làng K93 thuộc xã Vĩnh Kim. Một lần, gia đình ông K sang thăm nhà ông Nguyên, được ông này thết đãi bia. Đến khi gia đình ông Nguyên sang nhà ông K thăm đáp lễ, vì hoàn cảnh khó khăn, nhà ông K chỉ tiếp khách bằng rượu.
Sau chuyện này, giữa 2 bên gia đình thông gia không ý kiến gì nhưng người làng thì có “lời ong tiếng ve” chê bai ông K hà tiện. Vài hôm sau, ông K thắt cổ tự tử. Nghe tin, ông Nguyên sang chia buồn. Sau đó về nhà, ngẫm nghĩ “vì mình sang thăm mà ông K chết”, thế là ông Nguyên cũng thắt cổ chết theo.
Ông Đinh Phík - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận tiếp chuyện: Cô Đinh Thị H SN 1991 ở làng 4, xã Vĩnh Thuận, vừa lấy chồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chồng của H. chỉ biết uống rượu. Một nách 2 con, Đinh Thị H đành phải cáng đáng việc nương rẫy thay chồng.Càng cơ cực, H càng giận chồng đã bỏ bê gia đình. Không thể giải tỏa cơn giận ngày càng dâng cao trong lòng, H tự tìm đến cái chết. Ông Đinh Phík thở dài: “Bây giờ, hai đứa con thơ dại của vợ chồng H đang sống trong sự cô độc như cây sim, cây mua trong rừng”.
Rượu làm gia tăng số vụ tự tử
Chuyện tự tử không chỉ xảy ra ở huyện Vĩnh Thạnh mà cũng đang là vấn nạn nhức nhối ở huyện An Lão. Tại buổi làm việc với các tổ chức đoàn thể huyện An lão, chúng tôi được nghe thêm nhiều trường hợp tự tử vì những lý do hết sức “trời ơi”. Có em học sinh con nhà nghèo thấy bạn bè có xe máy “vi vu”, em về nhà nằng nặc vòi cha mẹ mua cho xe máy. Thương con, nhưng cha mẹ không thể chiều ý thích của con. Buồn lòng, em học sinh này đã thắt cổ tự tử.
Ngày 25-8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Công văn số 2934 về việc ngăn chặn tình trạng tự tử, tự sát vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số biết quý trọng tính mạng, cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh. Các địa phương tích cực vận động bà con hạn chế tình trạng uống rượu say, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn và tháo gỡ mâu thuẫn kịp thời.
Một chàng trai Hrê nói lời yêu với cô gái trong làng, cô gái ấy đáp trả bằng sự thờ ơ. Buồn quá, chàng trai tìm đến rượu để giải sầu. Cô gái nói thẳng thừng: “Mày uống rượu nhiều, tao không ưng đâu”.
Hoàn toàn thất vọng, chàng trai Hrê kia tìm đến chai thuốc sâu. May mắn cho anh chàng si tình kia là bà con bản làng phát hiện kịp thời và cứu sống. Oái ăm hơn, có người nguyên là lãnh đạo cấp xã, khi kiểm điểm công tác thấy mình thua sút so với thuộc cấp liền tìm đến với cái chết để quên đi nỗi xấu hổ trong lòng.
Thời gian 10 năm gần đây là đỉnh điểm của tình trạng tự tử trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Có những địa phương “rộ” lên nạn tự tử hàng loạt như ở thôn Thuận An, xã An Tân (An Lão). Tại địa phương này, bình quân mỗi năm xảy ra 10 vụ tự tử mà đối tượng chủ yếu là học sinh, nguyên nhân là để phản ứng lại những lời la mắng của cha mẹ.
Ông Đinh Hơ Nhao, cán bộ xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) cho biết: “Chuyện tự tử trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vốn đã có từ xa xưa, nhưng chủ yếu rơi vào các trường hợp là người già, neo đơn không ai chăm sóc hoặc những người bị bệnh tật triền miên. Họ tìm đến với cái chết như một sự giải thoát. Thế nhưng thi thoảng mới xảy ra một trường hợp chứ không “đại trà” như hiện nay”.
Ông Đinh Yang Kinh-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh khẳng định: “Rượu chính là một trong những tác nhân chủ đạo ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tự tìm đến cái chết của họ”.
Theo tìm hiểu của PV, người dân tộc thiểu số vốn tự ái cao, khi gặp chuyện “không ưng cái bụng” hoặc bị xấu hổ mà không giải quyết được, cộng với chất xúc tác của rượu họ liền nghĩ ngay đến cái chết. Thực tế, hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số khi được hỏi đều không đồng tình với những cái chết do tự tử.
Võ Hoàng Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.