Liên Xô sao chép B-29 như thế nào?

Thứ sáu, ngày 21/08/2020 14:34 PM (GMT+7)
Khi được hỏi: “Đâu là nhân tố quyết định thắng lợi của Mỹ trước Phát xít Nhật trong Thế chiến II?”, không ít người sẽ trả lời “bom hạt nhân”, nhưng thật ra đó phải là siêu pháo đài bay (superfortress) B-29 do Boeing chế tạo.
Bình luận 0
Liên Xô sao chép B-29 như thế nào? - Ảnh 1.

Siêu pháo đài bay B-29 của Không lực Hoa Kỳ. Ảnh: Flickr.

B-29 thực sự là một thành tựu hàng không khiến mọi quốc gia tại thời điểm đó phải ganh tị. Được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất như hệ thống pháo điều khiển từ xa, buồng áp lực, bánh kép, hệ thống càng ba điểm và động cơ cực kỳ mạnh mẽ, nó có thể mang gần 10 tấn bom để oanh tạc các mục tiêu ở cách xa 3.000 dặm (4.800 km), bay với vận tốc 350 mph (563 km) ở độ cao trên 30.000 feet (9 km) – nằm ngoài tầm hỏa lực của hầu hết máy bay và pháo phòng không Nhật Bản. So với Junkers Ju 290 của Luftwaffe (Không lực Đức Quốc xã), hay cả B-17 và B-24 (Không lực Mỹ) thì B-29 hoàn toàn vượt trội. Đế quốc Nhật khi ấy thậm chí còn chưa có máy bay ném bom hạng nặng, trong khi trang bị của Liên Xô thì cực kỳ lạc hậu: chỉ là loại máy bay có cánh liệng được phủ vải sợi, so với kỳ công nhôm nguyên khối trên B-29.

Đã không ít lần Joseph Stalin, nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị Tổng thống Mỹ Roosevelt cung cấp B-29 trong khuôn khổ chương trình Lend – Lease, một thỏa thuận chia sẻ nguồn lực quân sự giữa các quốc gia Đồng minh. Tổng cộng, Mỹ đã viện trợ khoảng 11 tỷ USD bằng hiện vật cho Liên Xô, bao gồm 400 ngàn xe jeep và xe tải, 12.000 xe bọc thép, 11.400 máy bay và gần 2.000 đầu máy, 2,6 triệu tấn xăng dầu và 1.75 triệu tấn thức ăn. Tuy nhiên, thứ duy nhất mà họ từ chối không cấp là máy bay ném bom hạng nặng B-29.

Mỹ và Anh thực ra không hề coi Liên Xô là bạn. Lý do duy nhất khiến họ đáp ứng các yêu cầu của Stalin, thông qua một lượng hàng viện trợ quân sự khổng lồ, là bởi hai bên cùng có chung kẻ thù. Họ cần quân đội của Stalin chống Phát xít Đức ở mặt trận phía Đông, nhằm giảm thiểu bớt nguy cơ cho Anh Quốc và khu vực eo biển Manche. Trong số các khí tài mà Liên Xô nhận được, nổi bật nhất có xe tăng M3 Lees và M4 Shermans (Mỹ), chiến đấu cơ Airacobra (Mỹ) và Hurricans (Anh). Nhưng máy bay ném bom chiến lược hạng nặng có khả năng bay xuyên lục địa và đại dương lại là câu chuyện khác. Mỹ không muốn giao cho Stalin thứ công nghệ có thể được sử dụng để chống lại họ.

Liên Xô sao chép B-29 như thế nào? - Ảnh 2.

Buồng lái trên chiếc B-29. Ảnh: Flickr

Nhưng may mắn cho Stalin là phi đội B-29 oanh tạc Nhật Bản lại được chỉ dẫn hạ cánh trên lãnh thổ Liên Xô trong trường hợp khẩn cấp. Mùa hè năm 1944, trong một phi vụ như vậy, ba chiếc B – 29 mang tên General H.H. Arnold Special, Ding How, và Ramp Tramp - đã đáp xuống Vladivostok ở vùng Viễn Đông, và giới chức trách Liên Xô đã ngay lập tức kéo chúng đến một cơ sở nghiên cứu tại Moscow. Các phi công được về nhà, nhưng mọi yêu cầu gửi trả lại ba chiếc máy bay đều bị từ chối.

Nhờ có chúng, các kỹ sư Liên Xô đã tiến hành một dự án kỹ nghệ đảo ngược (reversed engineering)* tham vọng và phức tạp nhất trong lịch sử. Stalin yêu cầu sao chép chính xác từng chi tiết dù là nhỏ nhất của B-29. Nhưng điều này lại chẳng hề dễ dàng, bởi Liên Xô còn thiếu nhiều cơ sở sản xuất để thực hiện một số chi tiết quan trọng. Chẳng hạn, B-29 được làm từ vỏ nhôm 1/16 inch, nhưng Liên Xô lại sử dụng hệ đo lường mét, vì thế những tấm nhôm với độ dày như vậy là không có sẵn. Cuối cùng, họ đã phải sử dụng loại nhôm khác, đồng thời đưa vào sản xuất nhiều hợp kim và vật liệu mới. Một vài bộ phận cũng được thiết kế và chế tạo lại để bù đắp cho những sai biệt nhỏ, nhằm đảm bảo máy bay vận hành như kỳ vọng. Mặc dù không muốn nhưng các kỹ sư đã phải thỏa hiệp như thay súng máy cỡ nòng 50 ly trên B-29 bằng đại bác; trong khi điệp viên Liên Xô thì lùng sục thị trường đồ thừa chiến tranh tại phương Tây để tìm kiếm lốp máy bay.

Trong số những thách thức lớn nhất, phải kể đến việc tái hiện hệ thống điều khiển hỏa lực trung tâm phức tạp. B-29 được trang bị 5 máy điện toán do General Electric chế tạo để điều khiển năm khẩu pháo ở phần mũi và đuôi máy bay, bên trong các hốc làm bằng vật liệu Plexiglas (hay mica). Hệ thống kết nối này cho phép một xạ thủ duy nhất cũng có khả năng thao tác cùng lúc với năm khẩu pháo. Ngoài ra, tất cả vũ khí còn được trang bị tính năng ngắm quang học, dựa trên sức mạnh của nền tảng điện toán – tính đến các đại lượng vật lý như vận tốc máy bay, trọng lực, nhiệt độ, độ ẩm cùng nhiều biến số khác có khả năng gây ảnh hưởng tới sự chính xác, nhằm làm tăng cường hiệu quả. Chính Andrei Tupolev, kỹ sư trưởng của dự án kỹ nghệ nghịch đảo, đã vô cùng sửng sốt trước cấu tạo cực kỳ phức tạp trên chiếc B-29, và nghĩ rằng mình đang làm một việc bất khả.

Liên Xô sao chép B-29 như thế nào? - Ảnh 3.

Một chiếc Tu-4 đang được lưu giữ tại Bảo tàng Không quân Monino ở Moscow. Ảnh: Flickr.

Nhưng chỉ chưa đầy hai năm, siêu pháo đài bay Tupolev Tu-4 của Liên Xô đã sẵn sàng ra mắt. Bất chấp những thách thức gặp phải, nguyên mẫu Tu-4 chỉ nặng hơn B-29 khoảng 340 kg (sai khác dưới 1%), còn lại thì hầu như tương tự: có cùng sải cánh, chiều dài thân, tốc độ và tải trọng ngang ngửa, trong khi trần bay nhỉnh hơn một chút. Do không muốn bị Stalin trách phạt, nhóm của Tupolev đã rất tỉ mỉ và cố gắng sao chép đến những chi tiết nhỏ nhất như miếng vá trên thân hay cách phối màu. Theo đúng lịch trình, những chiếc Tu-4 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp vào năm 1947, và chuyến bay đầu tiên được thực hiện ngày 19/5/1947.

Ngày 3/8 cùng năm, Liên Xô tổ chức Ngày hội Hàng không tại sân bay Tushino ở phía Tây Bắc Moscow, với sự tham gia của đại diện từ tất cả các lực lượng không quân lớn trên thế giới. Khi đi tham quan, giới chức ngoại giao Mỹ bỗng nhận thấy một mẫu máy bay quen thuộc, khá giống với ba chiếc B-29 bị Liên Xô thu giữ nhiều năm trước. Chỉ khi ấy, thế giới mới biết Liên Xô đã sao chép thành công siêu pháo đài bay. Sau sự kiện đó, Tu-4 được đưa vào sản xuất hàng loạt, và đã có khoảng 850 chiếc được chế tạo khi hoạt động kết thúc vào năm 1952. Sang thập niên 1960, kinh nghiệm này càng trở nên đặc biệt quý báu khi Liên Xô theo đuổi các chương trình máy bay ném bom chiến lược tiên tiến hơn.

Chú thích:

(*) Kỹ nghệ đảo ngược (reversed engineering): Quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí thông qua phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó. Để làm điều này, người ta thường phải tháo dỡ đối tượng thành từng phần và phân tích chi tiết hoạt động của nó, thường là với mục đích chế tạo một thiết bị hoặc xây dựng phần mềm mới với khả năng vận hành tương tự nhưng không nhất thiết là phải sao chép toàn bộ.

Hải Đăng (Theo Khoa học và Phát triển)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem