Lỗ 260 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 78 tỷ đồng, chứng khoán bị kiểm soát, Angimex khắc phục cách nào?

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 26/08/2024 10:14 AM (GMT+7)
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) vừa công bố thông tin về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát.
Bình luận 0

Angimex: Hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo được lợi nhuận 

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) vừa công bố thông tin về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát.

Theo đó, về biện pháp khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát (do vốn chủ sở hữu âm), Angimex cho biết, công ty đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh, tinh gọn bộ máy nhân sự, tăng cường đôn đốc thu hồi những khoản nợ khó đòi, đồng thời thanh lý tài sản để cơ cấu dần các khoản nợ và tạo lợi nhuận giúp khắc phục tình trạng vốn chủ sở hữu âm trong thời gian sớm nhất có thể.

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) công bố thông tin về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát.

Về tình hình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, Angimex cho biết, công ty đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường trọng điểm, tăng cường bán hàng trong nước, chú trọng kênh phát triển hệ thống đại lý. Tuy nhiên, do rất khó khăn trong việc huy động được nguồn vốn vay ngân hàng, nên số lượng kinh doanh ít, dẫn đến hiệu quả thấp.

Ngoài ra, công ty đã thực hiện thoái vốn tại một số công ty con không có hiệu quả đầu tư để tăng cường nguồn vốn kinh doanh. Đồng thời, tiết giảm chi phí và sử dụng chi phí một cách hợp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh, tối ưu việc dự trữ hàng tồn kho, tuy nhiên chi phí vẫn còn cao so với doanh thu nên công ty chưa tạo được lợi nhuận.

Công ty cũng tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Angimex thông tin, do hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo được lợi nhuận, nên đến thời điểm hiện nay công ty vẫn còn đang trong quá trình khắc phục, đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để cải thiện, khắc phục tình trạng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm.

Về nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty, Angimex chia sẻ, để bổ sung nguồn vốn lưu động duy trì hoạt động, công ty đã thoái được một phần vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết và đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để thanh lý một số tài sản cũng như tiếp tục thoái vốn đầu tư.

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu  

Trước đó, vốn chủ sở hữu của Angimex đã âm trên báo cáo tài chính hợp nhất kỳ gần nhất, trừ báo cáo tài chính kiểm toán năm. Vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã quyết định đưa cổ phiếu của Angimex vào diện kiểm soát kể từ ngày 9/8.

Angimex đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2024 với số liệu không khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 92 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ và lỗ ròng 84,5 tỷ đồng, nặng hơn mức lỗ hơn 38 tỷ đồng của quý II/2023.

Angimex cho biết trong kỳ, các khoản định phí khấu hao, lãi vay, dự phòng… vẫn ở mức cao là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Angimex đạt gần 151 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với cùng kỳ, do không còn khoản thu 207 tỷ đồng từ hoạt động bán xe honda, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, ngược lại doanh thu bán hàng lương thực tăng 67% lên hơn 118 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu.

Giá vốn ăn mòn gần hết doanh thu, cộng thêm các chi phí cố định khiến Angimex lỗ ròng 99,5 tỷ đồng.

Năm 2024, mặc dù Angimex điều chỉnh giảm kế hoạch lãi trước thuế về 5 tỷ đồng, thấp hơn 81% so với kế hoạch cũ, nhưng tới nay công ty vẫn chưa thể có lãi. Tại ngày 30/06/2024, lỗ lũy kế tăng lên gần 260 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Angimex xuống mức âm gần 78 tỷ đồng.

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 2.

Tại ngày 30/06/2024, lỗ lũy kế tăng lên gần 260 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Angimex xuống mức âm gần 78 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Angimex tại cuối quý II ghi nhận 1.165 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, tức chênh lệch 72 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chỉ có hơn 6 tỷ đồng gửi ngân hàng và chưa đầy 15 triệu đồng tiền mặt. Trong khi đó, nợ phải trả ở mức 1.243 tỷ đồng, tăng thêm 28 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay nợ hơn 959 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Angimex liên tục mở bán loạt tài sản nhằm thanh toán các khoản nợ vay, tạo lại dòng tiền và phục hồi hoạt động kinh doanh. 

Trong bối cảnh khó khăn, Angimex vẫn đang loay hoay vì phải hầu tòa với vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng bảo đảm đặt mua trái phiếu giữa 2 trái chủ mã trái phiếu AGMH2123001. 

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 3.

Angimex vẫn đang loay hoay vì phải hầu tòa với vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng bảo đảm đặt mua trái phiếu giữa 2 trái chủ mã trái phiếu AGMH2123001.

Angimex cũng phải bán 7 tài sản đảm bảo để lấy tiền trả nợ cho trái chủ. Cụ thể, HĐQT Angimex đã có quyết nghị chấp thuận cho xử lý tất cả các tài sản đảm bảo của lô trái phiếu AGMH2123001 để thanh toán tiền gốc và lãi tính đến ngày đáo hạn được gia hạn là 14/9/2024, gồm 7 tài sản đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Sài Gòn (SeABank).

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 4.

7 tài sản đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Sài Gòn (SeABank).

Kinh doanh không khả quan, Angimex thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 5.

7 tài sản đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – chi nhánh Sài Gòn (SeABank).

Nếu việc bán tài sản đảm bảo của lô trái phiếu AGMH2123001 diễn ra như kế hoạch, dự kiến Angimex sẽ thu tổng cộng 207 tỷ đồng.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem