Lộ lý do Trái Đất trải qua kỳ Băng hà sau mỗi 100.000 năm

Thứ ba, ngày 08/11/2016 17:36 PM (GMT+7)
Lượng carbon dioxide bị đại dương hấp thụ đóng vai trò quan trọng khiến kỷ Băng hà trên Trái Đất xảy ra theo chu kỳ 100.000 năm.
Bình luận 0

img

Kỷ Băng hà trên Trái Đất diễn ra theo chu kỳ 100.000 năm. Ảnh minh họa: Wordpress.

Đại dương có thể là nguyên nhân khiến kỷ Băng hà xảy ra theo chu kỳ 100.000 năm, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Geology tháng 10.2016 của các nhà khoa học tại Đại học Cardiff, Anh.

Trái Đất trải qua nhiều kỷ Băng hà trong hơn 2,6 triệu năm qua. Thời kỳ Băng hà gần nhất kết thúc cách đây khoảng 11.500 năm. Trước giai đoạn "chuyển tiếp giữa thế Canh Tân" cách đây khoảng một triệu năm, kỷ Băng hà trên Trái Đất xảy ra theo chu kỳ 40.000 năm. Nhưng sau đó khoảng thời gian này, chu kỳ tăng lên 100.000 năm, theo International Business Times.

Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu từ dự án Khoan Biển sâu (DSDP), một chương trình khoa học quốc tế khoan và lấy mẫu hóa thạch ở đáy đại dương để nghiên cứu thành phần hóa học của chúng.

Họ phát hiện ra rằng có rất nhiều carbon dioxide (CO2) được lưu trữ ở biển sâu trong suốt thời kỳ Băng hà, ở những khoảng thời gian cách nhau 100.000 năm. Đại dương có thể đã hấp thụ nhiều CO2 từ bầu khí quyển, khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất giảm xuống do CO2 là khí gây hiệu ứng nhà kính. Khi đó, các tảng băng trên biển trở nên lớn hơn và thời gian tồn tại cũng lâu hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến đại dương hấp thụ nhiều khí CO2 hơn sau mỗi 100.000 năm thay vì 40.000 năm.

"Chúng ta cần hiểu được tất cả các quá trình phức tạp của hệ thống khí hậu trước khi đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân gây nên sự thay đổi của chu kỳ Băng hà", Carrie Lear, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Lê Hùng (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem