Lo ngại trước đề xuất tăng thuế môi trường xăng dầu lên 8.000 đồng/lít

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ hai, ngày 13/02/2017 06:40 AM (GMT+7)
PGS-TS Định Trọng Thịnh (ảnh) (Học viện Tài Chính) cho rằng, cần có lộ trình tăng thuế xăng dầu sao cho hợp lý, nếu không sẽ tác động tới người tiêu dùng do giá tất cả các sản phẩm dịch vụ tăng, thậm chí là làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc.
Bình luận 0

Cần tính toán mức tăng phù hợp

Thưa ông, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mới đây đã làm cho dư luận xôn xao do mức tăng được đề xuất quá cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thực tế cho thấy, hiện ở các nước phát triển, việc sử dụng xăng dầu cho các phương tiện đi lại bị đánh thuế rất lớn. Thông thường, thuế mua ôtô ở các nước khác giá rất rẻ, nhưng chi phí thuế cầu đường, bảo vệ môi trường rất cao. Còn ở Việt Nam, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện cũng vẫn còn thấp, dù đã được điều chỉnh trong những năm gần đây. Do đó, việc đề xuất của Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường để vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, vừa bảo vệ môi trường cũng là hợp lý. Khi đánh thuế cao, người dân sẽ sử dụng ít xăng dầu hơn, tạo ra cơ sở để cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giảm thiểu thiệt hại, phục hồi môi trường. Do đó, đây là một trong những loại thuế được nhiều nước trên thế giới ủng hộ.

img

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

“Tăng thuế môi trường đối với tăng dầu quá cao sẽ làm cho lạm phát tăng cao, phá vỡ nền kinh tế vĩ mô, làm cho tăng trưởng kinh tế giảm, từ đó nguồn thu của ngân sách giảm chứ không phải tăng. Về lâu dài, thuế môi trường đối với xăng dầu vẫn phải tăng nhưng cần phải có lộ trình hợp lý”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Tuy nhiên, việc đánh thuế cũng phải phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa đó. Thuế xăng dầu cũng phải tiến tới hình thành lên nguồn thu riêng, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, đảm bảo thu chi được công khai, minh bạch.

Với đề xuất của Bộ Tài chính, việc tăng thuế từ 4.000 – 8.000 đồng/lít xăng theo ông có phải quá cao?

- Rõ ràng, với mức thuế xăng dầu mà tăng lên đột ngột như vậy là chưa hợp lý và chưa tương xứng. Việc đánh thuế là nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu, phải đảm bảo phù hợp và người tiêu dùng chịu đựng được, bởi nếu không chịu đựng được, người tiêu dùng sẽ tìm cách trốn thuế.

Từ ngày 1.5.2015, sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng được tăng lên 3.000 đồng/lít, tiền thuế thu vào ngân sách cũng đã tăng mạnh. Với mức tăng này, năm 2015, thuế bảo vệ môi trường thu được đã tăng gấp đôi so với năm 2014 đạt 27.030 tỷ đồng. Đến năm 2016, mức thu thuế bảo vệ môi trường còn tăng mạnh hơn, đạt 42.393 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khoảng 1,5 - 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Do đó, tôi cho rằng trước khi tăng thuế môi trường xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ cần tính toán mức tăng, thời điểm tăng cho phù hợp để không ảnh hưởng tới người tiêu dùng và nền kinh tế. Tôi xin nhấn mạnh, cá nhân tôi luôn ủng hộ việc đánh thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường nhưng mức độ và thời gian tăng cần xem xét lại.

Giả sử, nếu phương án tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít được thực hiện ngay, theo ông có phải người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nhất?

img

Tăng thuế môi trường xăng dầu cần phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng. (ảnh minh họa). Ảnh: I.T 

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg). Thuế môi trường cho xăng sinh học ở mức thấp hơn, trong đó xăng E5 là 2.700 - 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít.

- Chắc chắn người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nhất bởi giá cả của hầu hết các mặt hàng đầu vào sẽ tăng, trong khi người lao động chưa chắc được tăng lương ngay với một mức tăng tương xứng. Các chi phí vận tải, chi phí sản xuất cũng tốn kém hơn, kể cả điện, nước hay cung cấp cho sản xuất kinh doanh cũng sẽ tăng theo giá xăng dầu. Tất cả các chi phí của nguyên liệu đầu vào và giá lao động cũng tăng, từ đó làm cho sản phẩm sản xuất ra đều tăng giá, tác động tới lạm phát tăng và lãi suất cũng sẽ tăng lên. Từ đó, sẽ phá vỡ hàng loạt các kế hoạch đang triển khai tái cấu trúc của nền kinh tế. Vì không thể nào đáp ứng được kế hoạch sản xuất, làm cho người tiêu dùng và nền sản xuất cùng chịu thiệt thòi.

Đánh thuế còn đại khái, cào bằng

Có những quan điểm cho rằng, nếu tăng thuế môi trường đối với xăng dầu có thể còn bị tác động ngược, nguồn thu ngân sách còn giảm chứ không tăng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu quá đột ngột không chỉ tác động tới người tiêu dùng mà còn tác động tới cả nền kinh tế.  Việc chi phí đầu vào cao sẽ làm cho các kế hoạch sản xuất bị sụt giảm, thậm chí tất cả các hoạt động của nền kinh tế cũng sụt giảm, dẫn tới mục tiêu lớn của nền kinh tế không thể thực hiện được.  Chi phí xăng dầu tăng sẽ làm cho tất cả các hàng hóa dịch vụ tăng, đẩy lạm phát cũng tăng, dẫn tới mục tiếu lạm phát 4% trong năm 2017 của Quốc hội có thể khó đảm bảo, từ đó phải cân đối lại sản xuất… làm cho nền kinh tế vừa mới bắt đầu phục hồi lại thì tiếp tục bị giảm sút.

Có thể nói, năm 2016, tuy kinh tế đã vượt được qua khó khăn nhưng cũng không đảm bảo tăng trưởng như kỳ vọng của Quốc hội đặt ra. Năm 2017, khi kinh tế đang phục hồi lại gặp khó khăn từ chi phí đầu vào xăng dầu thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ gặp khó khăn. Nếu nền kinh tế bị giảm thì nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ giảm và quản điểm của nhiều chuyên gia là đánh thuế xăng dầu cao sẽ tác động ngược là hoàn toàn hợp lý.

Ông có nói tới vấn đề công khai minh bạch. Phải chăng thuế môi trường hiện nay đối với xăng dầu cũng chưa công khai và minh bạch?

- Từ trước đến nay, trong đánh thuế và thu thuế của bất kỳ mặt hàng nào chứ không chỉ thuế môi trường với xăng dầu, chúng ta cũng đều dùng nguồn kinh phí này vào sử dụng chung cho các hoạt động kinh tế, xã hội. Tức là, hầu hết các loại thuế trong nước đều gộp chung lại và phân bổ cho nhiều việc khác nhưng theo tôi, về lâu dài Chính phủ cũng phải có biện pháp công khai khoản thu, chi của từng loại thuế.

Tất nhiên, đối với thuế môi trường xăng dầu, bản thân nó cũng có nhiều vấn đề.  Có những khoản chi chỉ tác động gián tiếp như trồng cây xanh, trồng rừng… cũng giúp giảm thiểu sử dụng khí thải cho môi trường nhưng rất khó đo, đếm.  Việc trồng thêm cây xanh, trồng rừng chắc chắn là có tác động,

Về nguyên tắc, dần dần các luật thuế của Việt Nam cũng phải hoàn chỉnh, xã hội càng phát triển càng cần cụ thể, tỉ mỉ. Ví dụ, một ôtô của tôi đi 1km xả thải ra 15m3 CO2 khác với ôtô xả thải 1km tới 30m3 CO2. Hiện chúng ta vẫn đánh thuế đại khái và có hiện tượng cào bằng, chưa tỉ mỉ và tạo ra công khai, minh bạch, công bằng.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem