Lộ nguyên nhân MiG-15 vừa xuất trận đầu đã bị bắn hạ

Thứ năm, ngày 23/05/2019 10:35 AM (GMT+7)
Dù được người Mỹ thừa nhận có thiết kế tốt hơn nhưng MiG-15 vẫn bị bắn hạ bởi một nguyên nhân không thể nào ngờ tới.
Bình luận 0

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử các máy bay phản lực được mang ra "thử lửa" trên bầu trời. Cụ thể là vào năm 1950, các chiến đấu cơ phản lực đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng trên thực địa chính là dòng máy bay F9F-3 của Không quân Mỹ.

Đối đầu với những chiếc F9F-3 của Mỹ chỉ là những máy bay cánh quạt đời cũ của Triều Tiên được Liên Xô viện trợ, trong đó có cả dòng máy bay cánh quạt hiện đại nhất thời bấy giờ của Liên Xô là loại Lavochkin La-7. So với các máy bay chiến đấu cánh quạt cùng thời của Mỹ là P-51 Mustangs thì chiếc chiến đấu cơ La-7 của Liên Xô hiện đại hơn rất nhiều lần và Mỹ đã phải sớm tung ra con bài quyết định để “cản phá” sức mạnh trên không mà Liên Xô và Triều Tiên đang dần chiếm ưu thế.

img

Phản lực cơ của Mỹ trên bầu trời Triều Tiên. Ảnh: History.

Ngày 3.7.1950, chiếc chiến đấu cơ phản lực F9F-3 đầu tiên của Mỹ bắt đầu được tung ra với nhiệm vụ giành lại vị thế trên không cho Không lực Mỹ. So với các máy bay sử dụng động cơ cánh quạt của Liên Xô, F9F-3 chiếm ưu thế rõ rệt về mọi mặt, từ tốc độ, trần bay tác chiến cho tới trang bị hỏa lực. Rõ ràng, khoảng cách về hiệu suất chiến đấu của một chiếc máy bay phản lực so với một chiếc máy bay cánh quạt là điều không phải bàn cãi và rất nhiều phi công ưu tú của Liên Xô và Triều Tiên đã thiệt mạng trong những ngày đầu tiên khi họ phải đối đầu với một loại máy bay “không có cánh quạt”.

Tuy nhiên, Liên Xô và Triều Tiên cũng “chịu trận” chỉ trong vài tháng khi mà những chiếc MiG-15 đầu tiên được đưa tới chiến trường này chỉ khoảng 4 tháng sau đó. Vào ngày 1.11.1950, những chiến đấu cơ MiG-15 đầu tiên đã được Liên Xô đưa tới chiến trường Triều Tiên. Điều đặc biệt đó là MiG-15 không hoàn toàn sử dụng công nghệ hàng không của Liên Xô mà sử dụng nhiều công nghệ đến từ nhiều quốc gia khác nhau do gián điệp Liên Xô mang về để rút ngắn thời gian nghiên cứu ra loại chiến đấu cơ này.

Cụ thể, chiến đấu cơ MiG-15 sử dụng kiểu dáng khí động học dựa trên thiết kế của các máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới do Đức thiết kế từ trong chiến tranh thế giới thứ hai, những thiết kế này đã nằm trong tay Liên Xô từ sau khi chiến tranh kết thúc và được họ hiện thực hóa bằng cách tạo ra chiến đấu cơ MiG-15. Chưa hết, trái tim của MiG-15 là khối động cơ RD-45 thực chất lại là do Liên Xô sao chép một cách bất hợp pháp một động cơ phản lực turbo đang được Rolls-Royce, Anh thử nghiệm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sao chép này đã rút ngắn thời gian thiết kế chiếc MiG-15 của Liên Xô xuống chỉ còn tốn khoảng 10 năm thay vì 15 hay 20 năm nếu như họ hoàn toàn tự nghiên cứu.

Cuộc không chiến phản lực đầu tiên

Vào ngày 8.11.1950, 4 chiếc MiG đã bay qua khu vực sông Áp Lục từ hướng Trung Quốc và tiến vào lãnh thổ Triều Tiên. Ở đó, một nhóm các chiến đấu cơ phản lực thế hệ một F-80C của Không lực Mỹ đã chờ sẵn. Cần phải nói thêm, phía Mỹ lúc này đang gần như làm chủ bầu trời và người Mỹ cũng đoán được rằng họ sắp phải đối đầu với các máy bay phản lực do Liên Xô chế tạo, vấn đề là chưa biết khi nào.

Sau khi hai tốp máy bay tiếp cận với nhau, Trung úy Russel J. Brown đã là người đầu tiên trong lịch sử bắn hạ một chiến đấu cơ phản lực (theo đúng nghĩa) khi ông cùng chiếc F-80C của mình đã bắn hạ được một chiếc MiG-15 do phi công Liên Xô điều khiển lúc đó đang cố gắng bám đuổi và bắn hạ một đồng đội khác của Russel. Tiếp theo đó, gần như ngay lập tực một chiếc MiG-15 khác của Liên Xô cũng bị bắn hạ bởi một chiếc F-80C đang được điều khiển bởi Trung úy Không quân Mỹ W.T Amen.

img

Ảnh chụp lại trận không chiến đầu tiên bằng máy bay phản lực. Ảnh: History.

Trận chiến đối đấu giữa các chiến đấu cơ phản lực trên không đầu tiên trong lịch sử nhân loại kết thúc một cách chóng vánh với phần thắng 2:0 nghiêng về Mỹ. Tuy nhiên phía Liên Xô cũng không phải ra về tay trắng.

Việc các chiến đấu cơ phản lực của Liên Xô tham chiến đã chính thức xóa bỏ đi thế độc tôn của Mỹ và khiến cho các máy bay ném bom cỡ lớn sử dụng động cơ cánh quạt của Mỹ như loại B-29 hoàn toàn không còn dám xuất hiện trên không phận Triều Tiên nữa.

Các phi công Mỹ nhận định, chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô có phần hoàn thiện hơn nhiều so với chiếc chiến đấu cơ F-80C của Mỹ, điều khiến cho MiG-15 của Liên Xô thiệt hại một nửa quân số trong trận đầu ra quân thực chất là do kinh nghiệm tác chiến bằng máy bay phản lực của Liên Xô lúc này là bằng không và các phi công Liên Xô vẫn sử dụng những chiến thuật cũ của thời máy bay cánh quạt khiến cho các phản lực cơ này không thể phát huy hết được ưu thế về mặt tốc độ vượt trội của mình. Thêm vào đó, chiếc MiG-15 cũng có khả năng mang theo nhiều vũ khí hơn so với những chiếc F-80C, chính điều này đã khiến cho các phi công Mỹ không dám chủ quan sau khi họ dành thắng lợi 2:0 trong cuộc không chiến phản lực đầu tiên của nhân loại.

img

Mỹ đã mang tới cuộc chiến tranh Triều Tiên một loạt các loại máy bay chiến đấu phản lực để "thử nghiệm". Ảnh: History.

Trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã mang tới đây một loạt các loại máy bay phản lực để “thử nghiệm” trên chiến trường nóng bỏng nhất Đông Bắc Á này. Ở một khía cạnh khác, người Liên Xô cũng liên tục học hỏi các kinh nghiệm chiến đấu trên không với máy bay phản lực, phát minh ra nhiều chiến thuật hiệu quả hơn, cải biên máy bay và trang bị vũ khí phù hợp hơn cho những cuộc không chiến ở tốc độ hơn 1.000km/h. Rõ ràng, những cuộc không chiến trên bầu trời Triều Tiên đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng thời kỳ của máy bay chiến đấu cánh quạt đã qua, giờ là thời đại của máy bay chiến đấu phản lực và cuộc chiến này cũng đã kéo cả thế giới vào cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu phản lực mạnh nhất kéo dài tới tận ngày nay.

Tuấn Anh (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem