Câu chuyện lọ thuốc trừ sâu tự chế có thể “mút chùn chụt”, “uống ừng ực” của một người nông dân ở Khoái Châu, Hưng Yên đã được đặt ra trong một chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân ngay lập tức đáp rằng: Bộ KHCN hay các cơ quan liên quan cần có trách nhiệm trong việc này: “Khi một người dân, thậm chí một doanh nghiệp có được kết quả nghiên cứu còn sơ khai thì cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ nghiên cứu đó”.
Tuy nhiên, ông cũng không quên “mở ngoặc kép”: “Phải tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường. Có nghĩa là nó phải có đầu ra, các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất thì tính toán phải có lãi, nếu không thì không dám đầu tư. Cơ quan nhà nước có thể giúp người dân hoàn thiện sản phẩm nhưng để sản phẩm thành sản phẩm thương mại hóa thì còn nhiều yếu tố khác”.
“Nhiều yếu tố khác” là gì thì Bộ trưởng không giải thích, và những “anh Hai Lúa” càng không thể hiểu.
Nếu có hiểu, thì đại khái thì là một kịch bản đã có sẵn tiền lệ “chiếc máy cắt cỏ”- sáng chế nông dân, bị dẹp vì bị chê là nguy hiểm bởi... các nhà khoa học. 90% thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường là “hàng ngoại”. Nhiều và loạn, vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Sự gia tăng chóng mặt của các con số % thị phần giữa một bên là 7 doanh nghiệp nước ngoài đang thống lĩnh và một bên 300 doanh nghiệp nội tranh ăn “miếng xương” còn sót lại. 50% trong số không ít hơn 629 triệu USD là thuốc trừ sâu nhập từ Trung Quốc.
Cái tâm trạng “như có ai xát ớt vào mũi” khi “Đồng đầy vỏ bao thuốc sâu, mương máng ngập ngụa hóa chất. Con lươn không sống được, con chạch phải nhoài lên, con đỉa dần mất giống”. Và Viện K đầy ắp những bệnh nhân đến từ “lũy tre làng”... Nhu cầu về một loại thuốc trừ sâu giá rẻ, an toàn… là ước mơ cháy bỏng của người nông dân.
Nhưng ai là người giúp họ thực hiện mơ ước ấy nếu không phải là chính họ.
Không phải các nhà khoa học đang “kê cao gối” ngủ...
Nhớ năm ngoái, khi Bộ KHCN đã trao giải Nhất sáng chế cho “Hai Lúa” Phạm Hoàng Thắng với sản phẩm máy gặt đập, giám đốc một trung tâm nghiên cứu máy nông nghiệp đã đưa ra một danh sách dài những gì các nhà khoa học đã làm, dù sau đó, ông cũng thẳng thắn thừa nhận: “Các nhà nông học của Việt Nam phải làm đề tài theo cơ chế giao nhiệm vụ từ cấp trên. Nên có khi đề tài này mới hoàn thành, chưa đưa ra thị trường thì đã phải nhận nhiệm vụ nghiên cứu mới”.
Gần 4.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp kể từ năm 2008. Đội ngũ các nhà nghiên cứu lên tới 11.000 người với đủ loại thạc sĩ, tiến sĩ. Và cuối cùng, đến lọ thuốc sâu cũng vẫn nhập ngoại, hoặc để nông dân tự mày mò, tự mạo hiểm bằng chính sức khỏe, thậm chí sinh mạng của mình nếu không chấp nhận thực tế đó...
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.