Khu vực phi quân sự tại biên giới Triều Tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều loại vũ khí trong loạt bài sau đây bị cấm trong chiến tranh hiện đại. Chúng có sức tàn phá khủng khiếp và hậu quả để lại cho nạn nhân là vô cùng thảm khốc. |
Cú giẫm chân định mệnh
Ha Jaecheon, trung sĩ của Sư đoàn Bộ binh Số 1 Hàn Quốc thức dậy từ 5 giờ sáng, gấp gọn chăn màn và tập thể dục theo quy định nhà binh. Sau bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng lúc 6 giờ, anh cùng đồng đội nghỉ ngơi một chút để chuẩn bị đi tuần ở khu vực phi quân sự (DMZ) giáp biên giới Triều Tiên.
Ha xem đồng hồ, vẫn còn quá sớm. Từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường khiến anh sốt ruột. Trung sĩ trẻ tuổi nghĩ về buổi sáng mùa hè nóng nực của những ngày tháng 8.2015. Anh đã ở đây một thời gian, quen dần với nếp sống quân đội và sự buồn tẻ nơi khu vực nguy hiểm bậc nhất thế giới. Ha Jaecheon gõ tay trên bàn, tay kia cầm chắc khẩu súng. Sắp tới giờ đi tuần, Ha thở phào. Sự nhàm chán, ít ra là như vậy, sắp chấm dứt.
Lính Hàn Quốc đi tuần ở khu vực DMZ.
Khi vừa bước chân ra khỏi hàng rào ngăn cách giữa hai miền Triều Tiên, Ha vô tình giẫm chân phải một hộp gỗ nhỏ. Cú giẫm tưởng như vô hại đó đã cướp đi hai chân của Ha và một chân của người đồng đội tên Kim Jeongwon đi cùng.
Loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm, bị cấm hoàn toàn trong chiến tranh hiện đại, đang tồn tại ngày đêm dưới đất ở khu DMZ. Những rủi ro mà Ha gặp phải phần nào cho thấy sự hủy diệt của loại vũ khí ghê rợn này.
1 triệu quả mìn chôn dưới đất
Trăm quả mìn đất được tìm thấy.
Không chỉ gây ra một vụ nổ kinh hoàng, vụ việc diễn ra hồi tháng 8.2015 khiến một quả mìn nữa phát nổ. Ha mất hai chân, bạn chiến đấu của anh mất một chân. Hàn Quốc xem vụ việc này là rất nghiêm trọng và đánh giá đây là “sự tấn công của Triều Tiên”.
Sau đó hai ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố phát hiện nhiều dấu vết hộp mìn tương tự được đặt ở khu vực DMZ. Hãng tin Yonhap khẳng định chính binh sĩ Triều Tiên đã “cấy” những quả mìn đất này xuống khu vực tranh chấp và khiến vụ việc xảy ra. Theo điều tra, số mìn đất này được chôn trong một đêm mưa rào từ trước đó nửa tháng. Quả mìn đặt trong hộp gỗ với một thiết bị kích nổ. Chỉ cần va chạm nhẹ, quả mìn sẽ nổ tung và khiến binh sĩ trong bán kính 2m bị thương nặng.
Lính Mỹ gỡ một quả mìn đất ở Afghanistan.
Đây là vụ việc đầu tiên xảy ra sau thời kì chiến tranh hai miền Triều Tiên tạm thời chấm dứt năm 1953. Nhiều người Hàn Quốc gọi đây là sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Khu vực phi quân sự DMZ kéo dài 200 km, rộng khoảng 4 km, nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngoài hàng rào dây thép gai dày đặc, nơi đây được cho là địa điểm chôn hơn 1 triệu quả mìn đất, theo The Sun.
Số mìn này được Triều Tiên chôn nhằm ngăn cản binh sĩ trốn sang Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, nếu chiến tranh hai miền diễn ra, mìn đất sẽ là vũ khí đầu tiên chặn bước tiến của bộ binh hoặc xe tăng đối phương.
Cơ chế hủy diệt
Cấu tạo một quả mìn đất thông thường.
Mìn đất là một thiết bị gây nổ được giấu dưới đất và dùng để phá hủy hoặc làm tê liệt các mục tiêu đối phương, từ bộ binh tới xe vận tải hoặc xe tăng. Chỉ cần một lực tác động đủ mạnh lên mìn đất, thiết bị gây nổ sẽ được kích hoạt và gây ra một vụ nổ khủng khiếp. Mảnh vỡ của mìn cũng khiến loại thiết bị này đặc biệt nguy hiểm.
Mìn đất được dùng để diệt quân hoặc diệt xe quân sự của đối phương. Theo luật quốc tế, mìn đất đã bị cấm sử dụng từ năm 1997 và có 162 quốc gia đã kí vào thỏa thuận không sản xuất loại vũ khí chết người này.
Hiện nay, ngoài khu vực DMZ của Triều Tiên, mìn đất còn sử dụng ở đảo Síp, Afghanistan và Myanmar. Trong cuộc nội chiến Syria, nhiều nguồn tin cho rằng quân đội chính phủ cũng sử dụng mìn đất để ngăn chặn bước tiến quân nổi dậy và khủng bố. Mỗi năm, mìn đất cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.300 người và thậm chí là sau 10 năm kể từ khi được “cấy” xuống đất, loại mìn này vẫn có thể gây họa.
Mìn đất có nhiều chủng loại, từ diệt người tới diệt tăng.
Những loại mìn đất hiện nay có thể kích nổ nhờ áp lực, âm thanh, từ trường và sự rung động. Loại mìn diệt quân thường phát nổ khi chân người tạo ra lực rung lên mặt đất. Các loại mìn hiện đại còn“biết” phân biệt đâu là thiết bị chở quân của địch. Để làm được điều này, các nhà khoa học cài đặt sẵn cảm biến nhận diện.
Các loại mìn đất mới nhất có chức năng tránh đối phương gỡ ngòi nổ. Chỉ cần mìn đất bị di chuyển hoặc nhấc lên mặt đất, nó sẽ tự động nổ. Ngoài ra, mìn đất cũng được làm bằng ít kim loại nhất có thể để giảm khả năng bị phát hiện bởi máy dò hiện đại.
Một số loại mìn đất được tự kích nổ sau một thời gian hoặc có hóa chất bên trong để khiến nó vô dụng sau một thời gian cố định. Đây là cách để giúp mìn đất tránh gây hại cho dân thường. Dù vậy, chức năng tự hủy của mìn đất không đáng tin cậy.
Bộ quần áo chuyên dụng để gỡ mìn.
Loại mìn lớn nhất dùng để diệt tăng. Chúng thường nặng hơn 100 kg và cần lực tác động cả tấn mới có thể phát nổ. Thông thường, mìn đất diệt tăng chỉ nổ khi xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng đi qua. Mục đích của mìn diệt tăng là ngăn bước tiến của xe đối phương hoặc diệt sinh lực địch.
_____
Loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm, tạo ra những luồng lửa cực mạnh thiêu đốt mọi thứ, cũng bị cấm trong chiến tranh hiện đại. Đón đọc kì 4 xuất bản lúc 0h30 ngày 17.8.
Khi đã chui vào cơ thể, các mảnh của loại vũ khí bị cấm trong chiến tranh này biến mất hoàn toàn trước các máy chụp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.