Loay hoay xử lý hơn 900 bãi chôn lấp rác, nhiều bãi "vô chủ"

Tống Minh Thứ hai, ngày 20/04/2020 16:15 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (TCMT), Bộ TNMT, tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% số bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu và vô cùng cấp bách, đòi hỏi sớm có giải pháp xử lý.
Bình luận 0

Vẫn khó xử lý, cải tạo

Trong số hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, ngoài 20% số bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Một số bãi rác này hiện đã “đóng cửa”.

Về việc hình thành các bãi rác này, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng TCMT phản ánh: “Người dân vẫn có thói quen vứt rác bừa bãi, người này bỏ rác không đúng chỗ được thì người khác cũng bỏ rác được. Vô hình trung, tạo thành các bãi rác vô chủ. Đây chính là các điểm ô nhiễm tồn lưu”.

Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, hiện rác chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, với tỷ lệ lên tới 90%. Thậm chí, tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, một số có hệ thống thu gom khí, một số không; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

img

Bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) đang quá tải, nhiều lần người dân đã chặn xe rác...  Ảnh: T.M

“Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh” - TCMT đánh giá.

Để xử lý, cải tạo các bãi rác này, theo Quyết định 807 ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa xử lý được các bãi chôn lấp này do thiếu nguồn lực” - ông Hiền cho hay.

Cần cơ chế thu hút đầu tư

Để xử lý các bãi chôn lấp chất thải, ông Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự đầu tư của tư nhân tham gia xử lý rác ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Để thu hút được các nhà đầu tư, phải có cơ chế chính sách rõ ràng, các ưu đãi cụ thể như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...

Dẫn chứng cho sự thành công  trong việc cải tạo bãi rác đã “đóng cửa”, Phó Tổng cục trưởng TCMT thông tin, đã có những mô hình xử lý bãi rác thành mặt bằng sạch để phục vụ cho phát triển, như cải tạo bãi rác Mễ Trì (Hà Nội) trở thành Khu đô thị Mễ Trì; cải tạo bãi rác thành công viên ở Quảng Ninh hay xử lý bãi rác Soi Nam ở TP.Hải Dương…

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác...”.

Đánh giá của Tổng cục môi trường.

Theo lãnh đạo TCMT, việc xã hội hóa công tác xử lý bãi chôn lấp chất thải đã được luật hóa. Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi có quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Dự thảo luật cũng nêu rõ, yêu cầu bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường phải được xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường.

Chủ đầu tư, quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm lập phương án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường trình UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án đã được phê duyệt.

Tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày hoàn thiện việc xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường. Kết quả giám sát môi trường định kỳ phải được báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; lập hồ sơ và bàn giao mặt bằng sau khi hoàn thành xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem