Nhận trách nhiệm bằng hành động
Cách đây 1 năm, khi VPF mới ra đời, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, Tổng Giám đốc VPF cho biết: “Tôi sẵn sàng "tử vì đạo" để bóng đá Việt Nam phát triển”. Ông Viễn cũng dẫn chứng luôn việc mình dũng cảm từ chức Tổng Thư ký VFF vào tháng 1.2005 sau khi VFF thua kiện, phải bồi thường 200.300 USD cho HLV người Pháp Letard.
|
HLV Lê Thụy Hải (phải) đang trao đổi với ông Dương Nghiệp Khôi - nguyên trưởng BTC V.League. |
Nhưng thực tế, người mà dân trong làng bóng đá nể nhất phải là ông Lê Thế Thọ. Sau vụ tiêu cực của 7 cầu thủ U23 tại SEA Games 2005, ông Thọ "bỏ" vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF.
Nhìn lại hành trình 12 năm tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, nếu có nhiều người dám nhận trách nhiệm bằng hành động cụ thể như ông Viễn, ông Thọ thì có lẽ mọi chuyện sẽ rất khác. Đằng này lại cứ lo hão như lời của ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF: “Nếu cứ sau một sai lầm, lại đòi từ chức thì VFF lấy đâu (và đào tạo làm sao kịp) người ra thay thế”.
Phải chăng, chính vì “nỗi lo” đó mà quan chức VFF không ai chịu rời ghế sau thất bại AFF Cup 2012? Và đằng sau sự khủng hoảng của bóng đá Việt Nam, các ông bầu bỏ bóng đá hàng loạt, cầu thủ thất nghiệp tràn lan, người ta cũng không thấy ai ở VFF lên tiếng nhận trách nhiệm?
Đì tìm một niềm tin
Cầu thủ đang mất dần niềm tin vào VFF. Họ cần những giải pháp cụ thể từ các cấp lãnh đạo giúp họ bảo đảm quyền được chơi bóng, nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. Giới HLV cũng không còn tin vào các sếp khi hầu hết các HLV đều lắc đầu khi nghe VFF đề cập tới việc dẫn dắt đội tuyển.
Liên quan quá trình tuyển chọn HLV cho đội tuyển, một HLV tài năng-đang nằm trong “tầm ngắm” của VFF, bày tỏ: “Điều tôi quan tâm nhất là một chiến lược dài hơi của VFF. Tổng cục TDTT và VFF cần có cuộc bàn thảo, đề ra những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và kiên trì, tin tưởng, sát cánh cùng HLV thực hiện chiến lược đó. Nếu cứ làm việc theo kiểu “mùa vụ” thì khó lắm”.
HLV Lê Thụy Hải - người sẵn sàng cống hiến những giọt mồ hôi cuối cùng cho đội tuyển bóng đá quốc gia, lại gặp vướng mắc về bằng cấp khi ông không có bằng A do AFC cấp.
Trong khi đó, ông Ngô Lê Bằng - Tổng Thư ký VFF, chia sẻ: “Thời gian qua, ngày nào chúng tôi cũng làm việc rất vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi. VFF luôn có những tiêu chí rõ ràng trong quá trình tuyển chọn HLV. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc tìm thầy cho đội tuyển, đặc biệt trong thời điểm nhiều vấn đề vĩ mô khác: Đào tạo trẻ, thể thao trường học… chưa thể làm đến nơi đến chốn được vì nhiều lý do”.
Theo ông Bằng, cái khó nhất là rất ít hoặc gần như không có HLV nội đáp ứng được mọi yêu cầu của VFF: “Ngày 25.12 tới, chúng tôi sẽ họp với phòng các đội tuyển quốc gia, Hội đồng HLV quốc gia để đi tìm sự đồng thuận, giải pháp tối ưu nhất” - ông Bằng chốt lại.
Đến đây, lại xuất hiện một khía cạnh khác: Dường như các HLV nội được kỳ vọng trong nước đang nghĩ cho mình nhiều quá, chứ không dám “tử vì đạo”. Và ở một nền bóng đá mà hầu hết những người trong cuộc (từ lãnh đạo, HLV đến cầu thủ) đều chỉ bo bo giữ thân, thì làm sao hy vọng về một sự phát triển trong tương lai!
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.