Ngày 28/3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tổ chức lễ tri ân gia đình và thiếu tá Lê Hải Ninh, người đã qua đời và hiến tạng để ghép cho 6 người khác.
Trong giờ phút cuối cùng trước khi các bác sĩ chuyển anh Ninh vào phòng mổ lấy tạng, chị Tạ Thị Kiều, vợ anh đã chạm tay khẽ vào chồng và nói như thể anh vẫn còn nghe thấy. “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai. Em không biết anh có giận em hay không, em muốn anh cứu được nhiều người khác. Em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng theo dõi để thấy được mẹ con em sống như thế”, người vợ trẻ nghẹn ngào khẽ nói. Các y bác sĩ chứng kiến giây phút đó đã không khỏi xúc động.
Gia đình thiếu tá Ninh tại lễ tôn vinh chiều 28/3.
Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trái tim của thiếu tá Ninh vẫn đang đập trong lồng ngực một bệnh nhân 30 tuổi, hai lá phổi được ghép cho một bệnh nhân, hai quả thận đang sống trong cơ thể hai người khác nhau ở hai đầu Nam - Bắc... Hiện sức khỏe cả 6 bệnh nhân được ghép tạng dần ổn định.
Ông Lê Xuân Cựu, bố anh Ninh cũng xúc động cho biết, quyết định hiến tạng của con mình được sự đồng thuận của cả gia đình hai bên nội ngoại, anh chị em. Gia đình cũng được an ủi phần nào khi biết các ca ghép tạng cho những bệnh nhân khác đã thành công.
“Đâu đó trên đời này con vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi. Tôi cũng mong hiến tạng trở thành phong trào lan rộng trong toàn xã hội để giúp cho nhiều người bệnh khác”, ông Cựu nói.
Tri ân nghĩa cử cao đẹp của anh Ninh và gia đình, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc thực hiện thành công ca phổi từ người cho chết não là một đột phá về khoa học công nghệ, thành tích đặc biệt xuất sắc. “Ghép phổi từ người cho chết não là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Hiện Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép tạng mà thế giới đã và đang thực hiện”, Thứ trưởng Khánh nói.
Lãnh đạo ba Bộ Quốc phòng, Y tế và Khoa học công nghệ thăm bệnh nhân ghép phổi.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn lập quỹ hỗ trợ những bệnh nhân nghèo giúp họ có điều kiện được ghép tạng. Hai bệnh nhân ghép tim và thận của anh Ninh, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều là bệnh nhân nghèo. Chi phí những ca ghép này lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, quỹ bảo hiểm y tế không thể chi trả. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình đã hiến tạng có hoàn cảnh khó khăn như cho thẻ bảo hiểm y tế...
Nhân dịp này, Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp hiến mô, bộ phận cơ thể người cho gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng trao tặng thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện cho gia đình của thiếu tá Ninh, đồng thời cam kết tuyển dụng hai con trai của thiếu tá vào làm việc tại bệnh viện nếu các em đi theo ngành y để tiếp tục sự nghiệp cứu người.
Ngày 26/2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não. Người cho tạng là thiếu tá Lê Hải Ninh, 45 tuổi. Bệnh nhân được ghép hai phổi là anh Trần Ngọc Hanh, trước đó bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, thường xuyên phải cấp cứu, thở máy, thở ôxy liên tục. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh.
Từ tạng hiến của thiếu tá Ninh, các bác sĩ tại Hà Nội thực hiện một ca ghép thận, 2 ca ghép giác mạc. Riêng trái tim và một quả thận của anh được các bác sĩ vận chuyển vượt hàng nghìn km vào Sài Gòn. Trái tim của anh được ghép cho một chàng trai trẻ ngụ tại Tiền Giang, còn quả thận ghép cho cô gái trẻ ở Ninh Thuận. Cả hai bệnh nhân này đều có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền để chi phí cho ca ghép tạng nên được Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ và kêu gọi cộng đồng giúp sức.
Người được ghép giác mạc của Hải An sẽ tặng lại ánh sáng khi qua đời. Clip Người đưa tin
Nam Phương (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.