Ốc len có màu nâu đậm xen lẫn vân trắng to khoảng ngón tay trỏ, dài khoảng 3-4 phân, có đuôi nhọn. Vỏ ốc len cứng với nhiều đường gân nhỏ xoay quanh, ốc có hình dạng khá sù sì với thân mập tròn, đuôi ngắn.
Clip đi săn loài ốc biển xấu xí trong rừng ngập mặn
Tại Cà Mau, nguồn ốc len sản sinh tự nhiên trong các khu rừng ngập mặn, bãi bồi khá nhiều. Cũng từ đây, nhiều lao động tại địa phương đã có thêm thu nhập nhờ nghề bắt ốc len.
Ốc len sống nhiều trong rừng ngập mặn hoặc bãi bồi ven biển. (Ảnh: Chúc Ly).
Em Trần Thị Đẹp (16 tuổi, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: “Bắt ốc len là nghề chính của em và gia đình. Hằng ngày, em lội vào rừng bắt ốc, nếu nước lớn thì ốc sẽ bò lên cây, dễ bắt hơn; còn khi nước ròng thì nó sẽ bò dưới bãi sìn, có khi khó thấy ốc. Đồ nghề để bắt ốc len rất đơn giản, chỉ cần một chiếc thùng đựng ốc, nhang muỗi để tránh muỗi đốt. Quan trọng nhất là tinh mắt để nhìn thấy ốc đu trên cây hoặc dưới sìn”.
Do có thân hình xấu xí, dễ lẫn với màu đất nên việc bắt ốc len trong rừng ngập mặn quan trọng nhất là phải tinh mắt. (Ảnh: Chúc Ly).
Theo nhiều người chuyên nghề bắt ốc len, muốn thấy được ốc nhiều phải vào ngay con nước lớn, ốc bò lên cây, còn khi nước ròng ốc lại bò xuống sìn để tìm thức ăn. Những người đi vào rừng bắt ốc len thì không tác động nhiều đến cây rừng, vì đây là môi trường cho ốc len phát triển tự nhiên, cũng là nguồn sống của nhiều lao động không có đất sản xuất.
Bắt ốc len là nghề kiếm sống của nhiều lao động nghèo ở vùng biển Cà Mau. (Ảnh: Chúc Ly).
Đặc tính của ốc len là đeo bám cây mắm, đước và ăn bã bùn của lá cây, đất phù sa mà phát triển tự nhiên. Hiện ốc len được thu mua với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg. Ốc len hiện là một đặc sản của vùng sông nước Cà Mau. Ốc len có thể được chế biến thành nhiều món nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món ốc len xào dừa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.