Lối về của xạ thủ tài năng sa cơ lỡ bước

Thứ bảy, ngày 30/04/2011 06:46 AM (GMT+7)
Từng là một vận động viên bắn súng tài năng của Việt Nam nhưng ma tuý như một cơn ác mộng nghiệt ngã đã lấy đi tất cả danh vọng của chàng trai xứ Thanh.
Bình luận 0

Đỉnh cao - vực sâu

Là con trưởng trong một gia đình có 4 anh em, bố mẹ đều là công nhân, ngay từ những ngày còn đầu trần, chân đất trốn mẹ cũng lũ bạn chăn trâu lang thang khắp các bờ tre, nẻo ruộng, Trần Văn Dũng, SN 1971, ngụ xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa đã làm cho đám bạn khi ấy phải tròn mắt thán phục vì những phát súng cao su thiện nghệ “bách phát bách trúng” của mình.

img
Trần Văn Dũng từng lầm đường lạc lối khi đứng trên đỉnh cao danh vọng. Cái giá quá đắt bởi sa chân vào ma túy khiến Dũng gần như mất trắng và kịp tỉnh ngộ khi chưa quá muộn.

Thấy con có năng khiếu, bố của Dũng đã gạt sang bên tất cả khó khăn của cả gia đình, gửi Dũng xuống theo học tại trường Năng khiếu Thể dục - Thể thao của tỉnh Thanh Hóa. Gần như ngay lập tức, tài năng của Dũng được các thầy cô giáo, huấn luyện viên của trường phát hiện và đặt niềm hy vọng.

Năm 1989, Sở TDTT tỉnh cử Dũng đi đào tạo, huấn luyện tại Hà Nội. Trong một môi trường thuận lợi, tài năng của Dũng ngày càng lớn mạnh và được khẳng định khi anh chính thức trở thành vận động viên trong đội tuyển bắn súng Quốc gia. Đến năm 1995, anh được theo học tại trường Đại học TDTT tại Từ Sơn Bắc Ninh. Cùng năm đó, trong Đại hội TDTT toàn quốc, không phụ lòng kỳ vọng của mọi người anh đã đoạt huy chương vàng bộ môn bắn súng.

Thành công nối tiếp, năm 1997, SEA Games lần thứ 19 tại Indonesia, bằng tài năng của mình anh đã thi đấu thăng hoa cùng đội tuyển bắn súng Việt Nam đoạt huy chương Bạc. “Dạo ấy chúng tôi tự hào về nó lắm. Khắp trong làng, ngoài xã đi đến đâu người ta cũng trầm trồ khen tôi có phúc sinh được quý tử làm rạng danh dòng tộc, rạng danh quê hương. Ngày Dũng về quê không khác gì cảnh “vinh quy bái tổ” của trạng nguyên trong phim, có cả đoàn xe con đưa về tận ngõ, chụp ảnh, quay phim lia lịa. Hàng xóm, láng giềng kéo đến chia vui chật kín cả nhà” - Mẹ anh bùi ngùi nhớ lại.

Sau thành công tại đấu trường khu vực, anh được Sở TDTT Thanh Hóa xin về làm huấn luyện viên tại tỉnh nhà. Lần trở về trong cương vị mới này, ngoài niềm vui, niềm tự hào của người chiến thắng, anh còn mang trong mình ước mơ, khát khao cháy bỏng là sẽ tự tay mình tìm tòi, đào tạo nên những vận động viên kế cận có tài năng thật sự, góp phần vào thành tích của thể thao xứ Thanh cũng như của Quốc gia. Nhưng những mơ ước cao đẹp này chưa kịp thực hiện thì thảm hoạ đã ập xuống.

Về Thanh Hoá, thay vì tiếp tục trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, chú tâm với công việc thì Dũng lại lao vào những cuộc ăn chơi thác loạn thâu đêm suốt sáng cùng rượu mạnh và ma tuý. Ban đầu chỉ là thử cho biết, cho đám bạn thành phố, nhà giàu không chê mình là “thằng nhà quê”, dần dà anh vướng vào “vòng kim cô” của con quái vật ma tuý lúc nào không hay. Bạn bè, đồng nghiệp biết chuyện hết sức khuyên can nhưng không những có thể đoạn tình với ma tuý, Dũng lại lao vào cuộc chơi với liều lượng ngày càng nặng hơn, sâu hơn.

Tiền bạc, danh vọng cũng dần theo từng cơn đói thuốc rời xa anh, tan biến. Sau ba năm đắm chìm trong những cơn phê thuốc “vô tiền khoáng hậu”, khi không còn đáp ứng được yêu cầu của chuyên môn, Dũng lờ mờ hiểu ra rằng ma tuý đã lấy đi của anh tất cả. Anh làm đơn xin chuyển công tác về huyện nhà.

Do chưa biết Dũng đã dính vào ma tuý nên Phòng Giáo dục huyện đã phân công Dũng dạy môn thể chất tại trường THCS xã Yên Thọ (Yên Định). “Có lẽ cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn và ưu ái quá. Lóa mắt trong hào quang của thành công và một chút ngông cuồng của tuổi trẻ đã đẩy mình từ đỉnh cao của danh vọng, từ một kẻ có trong tay tất cả xuống vực thẳm tận cùng của xã hội - một thằng tay trắng, một thằng nghiện!”, nhớ lại những gì đã qua, giọng Dũng trở nên chua chát, đầy tiếc nuối.

Hành trình trở lại với ánh sáng

“Cái kim giấu trong bọc rồi cũng lòi ra”, công tác tại trường THCS Yên Thọ chưa được bao lâu thì mọi người cũng nhận ra sự thật - Dũng là một con nghiện. Trong một cuộc họp hội đồng bất thường của trường diễn ra vào cuối năm 2001, ông hiệu trưởng đã phải cay đắng thốt lên: “Vì thầy Dũng mà trường chúng ta bị mất hết các danh hiệu thi đua trong năm rồi!”.

Trước thực tế này, Ban giám hiệu nhà trường đã ra một “tối hậu thư” cho Dũng: Thầy sẽ tiếp tục được công tác nếu cam kết từ bỏ ma tuý. Cùng với “tối hậu thư này” nhà trường đã rộng lòng đề xuất với phòng giáo dục huyện cho Dũng được nghỉ công tác một năm để có điều kiện cai nghiện.

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn này anh kể: “Khi biết tôi bị nghiện nặng, người đau khổ nhất là mẹ, bà không trách mắng gì mà ngược lại còn bón cho tôi từng thìa cháo, xoa bóp cho tôi mỗi khi lên cơn đói thuốc. Dư luận người thương thì thở dài thương hại nuối tiếc, kẻ ghét được dịp dèm pha, điều tiếng… cũng may trong lúc mình bĩ cực nhất vẫn có người thân yêu, nhà trường giang rộng vòng tay giúp đỡ, đồng thời những lời dèm pha cũng đánh thức lòng tự trọng còn sót lại trong sâu thẳm để tôi đứng dậy làm lại.

img
Giờ Dũng đã có gia đình yên ấm với người vợ hiền luôn hiểu và con ngoan luôn sát cánh bên anh.

Thời gian đầu để cắt được cơn nghiện khó lắm, nhiều lúc tưởng như không thể nhưng rút kinh nghiệm những lần cai trước đây bị tái nghiện tôi đã thực hiện nghiêm túc sự hướng dẫn về quy trình cai nghiện. Sau 6 ngày tôi đã cắt được cơn nhưng tôi nghĩ việc duy trì sau cơn cắt mới là quan trọng.

Để làm được điều này tôi phải lên cho mình một kế hoạch cụ thể, đặc biệt là phương pháp đối mặt với bạn nghiện và những cơn thèm thuốc. Tôi cũng tự đặt ra cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch: Phải luôn luôn suy nghĩ hoặc là từ bỏ ma tuý hoặc là mất tất cả. Bằng mọi giá phải xa lánh những bạn nghiện cho dù đó là người thân hay là bạn của mình.

Đặt mình vào vị trí của người thân và đồng nghiệp khi phải sống cùng một người nghiện để hiểu họ mong muốn gì ở mình. Phải hiểu biết về kiến thức cai nghiện vá phòng chống tái nghiện. Thường xuyên tham gia các phong trào văn hoá, thể dục, thể thao và công tác xã hội tại cộng đồng để xoá bỏ mặc cảm bản thân và xoá bỏ kỳ thị của mọi người”.

Sau hơn 2 năm chống chọi với từng cơn vật vã vì đói thuốc, anh đã thực sự đoạn tuyệt được với “cái chết trắng” nhờ tình thương, lòng nhân ái của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp nhưng có lẽ điều hạnh phúc hơn tất cả là Dũng được Phòng GD&ĐT huyện tiếp nhận trở lại công tác, giảng dạy tại trường cũ. Điều này không đơn thuần chỉ là sự khẳng định nghị lực phi thường của bản thân mà còn là danh dự, tương lai của một con người đã lầm đường lạc lối “đi hoang”.

Trong buổi mít tinh hưởng ứng chiến dịch phòng chống tội phạm ma tuý nhân ngày Quốc tế phòng chống ma tuý, anh chia sẻ: “Cai nghiện ma tuý là một việc khó nhưng với những ai đã đặt quyết tâm thì sẽ thành công. Tôi muốn nói với những người đang lầm đường, lạc lối rằng: Hãy thức tỉnh bản thân trước khi quá muộn và tự đặt cho mình quyết tâm cai nghiện, giành lại sự sống khi còn có thể. Chỉ có nghị lực của chính bản thân mới có thể từ bỏ được ma tuý”.

Theo Bưu Điện Việt Nam 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem