Gần Tết Nguyên đán, những chú lợn đất dát vàng mang tên “Kỳ linh Kỷ Hợi” được bày bán tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội.
Theo ông Vương Thế Cường, một nghệ nhân làm lợn đất dát vàng, mỗi sản phẩm hoàn thiện để bày bán ra thị trường phải trải qua 22 công đoạn khác nhau.
“Kỳ linh Kỷ Hợi” được làm từ loại đất sét, sa thạch hòa với nước phù sa sông Hồng theo một tỷ lệ nhất định.
Hỗn hợp này được đổ vào khuôn thạch cao hút nước.
Một lớp chất dẻo dày khoảng 0,5 cm dính vào thành khuôn. Còn lượng chất lỏng bên trong sẽ bị loại bỏ.
Sau đó, nghệ nhân tách chúng ra khỏi khuôn khi đất khô và loại bỏ một số phần thừa.
Nghệ nhân sẽ tỉ mỉ chỉnh sửa các chi tiết sao cho sắc nét để sau tráng men đẹp và rõ hơn.
Việc này cũng tốn khá nhiều thời gian của các nghệ nhân.
Để tạo ra sản phẩm đẹp, mỗi nghệ nhân phải mất một ngày để hoàn thiện một chú lợn đất dát vàng.
Theo đó, công đoạn nào cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận.
Sau khi được cắt, tỉa cẩn thận, những chú lợn sẽ được cho vào lò nung gần 1000 độ C.
Tiếp đó, chúng sẽ được các nghệ nhân dùng bút bằng sáp nến để vẽ hoa văn.
Những chú lợn đất sẽ được tráng men và cho vào lò nung thêm một lần nữa.
Công đoạn cuối cùng, các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ sẽ dát vàng. Trên lưng mỗi chú lợn đất đều khắc 4 chữ “Tích phúc vô cương”. Theo các nghệ nhân, đây là chữ được khắc trong ấn đền Trần với ngụ ý giữ gìn khuôn phép, rèn luyện nhân tâm để được nhân quả lâu dài, đời đời hưởng phúc.
“Kỳ linh Kỷ Hợi” có 3 phiên bản: Tiêu chuẩn (giá 12 triệu đồng, kích thước 18x23 cm), theo mệnh (giá 36 triệu đồng, kích thước 36x46cm, màu men theo mệnh chủ nhân) và loại đặc biệt.
Đắt nhất là lợn đất dát vàng phiên bản đặc biệt có giá 99 triệu đồng (kích thước 36x46cm). Loại sản phẩm này được chế từ dòng men hoàng kim giúp sản phẩm có màu và tiếng kêu như kim loại và dát vàng 24k.
Được biết, chú lợn đất dát vàng có giá gần trăm triệu đồng này đã có một khách hàng ở Tây Hồ đặt mua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.