Long An: Biến kênh, mương thành ao trữ nước bảo vệ “thủ phủ thanh long” (Bài 4)

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 05/03/2022 13:12 PM (GMT+7)
Chuẩn bị phòng chống đợt hạn mặn năm nay, tỉnh Long An đã lên các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như các năm 2015-2016, 2019-2020 nhằm bảo vệ “thủ phủ thanh long”.
Bình luận 0

Theo ông Trần Văn Nĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, "thủ phủ thanh long" của Long An, tại Châu Thành, các xã nằm cặp sông Vàm Cỏ, như Thanh Vĩnh, Thuận Mỹ, Thanh Phú Long… sẽ chịu ảnh hưởng hạn, mặn đầu tiên.

Bài 4. Biến kênh, mương thành ao trữ nước bảo vệ “thủ phủ thanh long”  - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Hùng (xã Thanh Phú Long, Châu Thành, Long An) chăm sóc vườn thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Trông chờ nước ngọt cứu thanh long

Thời điểm này, nước mặn đã tiếp cận các xã trồng thanh long nằm cặp sông Vàm Cỏ. Anh Năm Trưng (Đoàn Hữu Nghĩa, ấp Phú Xuân 2, Phú Ngãi Trị, Châu Thành) cho biết, đang rất lo lắng khi mặn lại về.

Bài học từ đợt hạn, mặn năm 2020 vẫn khiến anh Năm Trưng nhớ như in.

"Đợt đó, nông dân trồng thanh long vất vả vô cùng. Trên đồng, kênh rạch cạn khô nước. Muốn có nước, tôi phải bơm chuyền nước từ cống Ô Vàm lên vũng, rồi từ vũng bơm về vườn mới tưới được", anh Năm Trưng than thở.

Theo anh Năm Trưng, khu vực trồng thanh long của anh gọi là "kênh chết". Khu vực này có hơn 20ha trồng thanh long.

Kênh nội đồng luôn khô nước, nên nông dân trồng thanh long phải lắp đặt ống lấy nước ngọt từ cống Ô Vàm về cách hơn 1km để tưới thanh long.

Tuy nhiên, nếu nước ở cống Ô Vàm cạn, đồng nghĩa với việc khu vực "kênh chết" cũng không có nước ngọt tưới thanh long, bởi… hụt ống lấy nước.

Bài 4. Biến kênh, mương thành ao trữ nước bảo vệ “thủ phủ thanh long”  - Ảnh 3.

Một vườn thanh long ở xã Long Trì được trang bị hệ thống tưới tiết kiệm nước chống hạn, mặn. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, anh Năm Trưng trồng thanh long gần 2ha, với 2.700 gốc. Đây là năm thứ tư anh Năm Trưng trồng thanh long liên tục bị thua lỗ. Nguyên nhân bởi giá thanh long quá thấp. Có khi giá hàng xông đèn xuống còn 500 đồng/kg. Thậm chí, thương lái còn không mua.

"Cứ mỗi năm, tôi lỗ khoảng 200 triệu đồng", anh Năm Trưng than thở.

Hiện, để chống hạn mặn cho thanh long, anh Năm Trưng đang ủ rơm gốc thanh long để tạo độ ẩm, hạn chế đất mất nước.

Ngoài ra, anh Năm Trưng trông… trời mưa sớm. "Năm nào mưa sớm thì đỡ, còn không là thiếu nước tưới thanh long", anh Năm Trưng bộc bạch.

Tại xã Thanh Phú Long, giữa trời nắng chang chang, anh Trần Văn Hùng vẫn nai lưng đi tỉa dây thanh long bị bệnh.

Vườn thanh long rộng 5 công này, có nhiều dây đã ngả vàng do thiếu nước, thiếu phân và cái nắng chang chát.

Clip: Anh Trần Văn Hùng (xã Thanh Phú Long) chia sẻ những khó khăn lấy nước tưới thanh long khi mùa hạn, mặn đến. Clip: Trần Đáng

Anh Hùng lo ngại, đợt hạn, mặn năm nay lại như năm 2020 thì vườn thanh long nguy to.

"Năm đó thiếu nước ngọt tưới thanh long trầm trọng. Muốn tưới thanh long phải lấy nước sinh hoạt. 10 bữa, nửa tháng tôi phải thuê người tưới thanh long. Mà đâu dám tưới đẫm đất, chỉ tưới mát cho dây thôi. Mỗi lần tưới tốn 300.000 đồng", anh Hùng thổ lộ.

Theo anh Hùng, sau đợt hạn, mặn năm 2020, khi xông đèn cho trái, vườn thanh long đã "bị ùi". "Vườn thanh long ra bông rất ít. Năng suất giảm tới 2, 3 phần", anh Hùng chia sẻ.

Năm nay, nước kênh Bào Dài đang là hy vọng cứu khát cho vườn thanh long của anh Hùng khi đợt hạn, mặn ập đến.

Trữ nước chống hạn, mặn cho thanh long

Hiện, "thủ phủ thanh long" Châu Thành có khoảng 11.000ha thanh long. Hầu hết, sản lượng thanh long ở đây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bài 4. Biến kênh, mương thành ao trữ nước bảo vệ “thủ phủ thanh long”  - Ảnh 5.

Để bảo vệ vườn thanh long trong đợt hạn mặn năm nay, ngoài cố gắng lấy nước ngọt từ kênh mương, anh Năm Trưng (Đoàn Hữu Nghĩa, Phú Ngãi Trị, Châu Thành) chỉ có ủ rơm giữ ẩm cho gốc thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Trái thanh long từng đem lại trù phú cho vùng đất Châu Thành. Tuy nhiên thời gian qua, giá thanh long khá thấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Trung Quốc đóng cửa khẩu, khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo năm nay, xâm nhập mặn sẽ đến sớm, sâu, diễn biến không theo quy luật.

Nhiều khả năng hạn, mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Ông Võ Văn Vấn, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, cho biết huyện có hơn 56km đê bao khép kín đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt.

Huyện đang tổ chức khai thông, nạo vét cống, kênh, rạch đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới cho bà con nông dân.

Bài 4. Biến kênh, mương thành ao trữ nước bảo vệ “thủ phủ thanh long”  - Ảnh 6.

Cống Tầm Vu có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt cho "thủ phủ thanh long" Châu Thành trong các đợt hạn, mặn. Ảnh: Trần Đáng

Đối với các xã tăng cường công tác quản lý các cống trên đê, đảm bảo đóng kín ngăn mặn, tuyệt đối không để tháo nước ngọt ra sông, gia cố các cống hư hỏng.

UBND tỉnh Long An cũng cho biết, sẽ khoanh vùng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ưu tiên nguồn nước để cấp nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem