Trong truyện Kim Dung, Long Tượng Bàn Nhược Công (hay còn gọi là Long Tượng Bát Nhã Công) là môn công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng. Người luyện được môn công phu này sẽ sở hữu nội công thâm sâu, cao siêu trác tuyệt, ngoại công theo đó mà cũng tăng lên nhiều lần, càng đấu lâu càng có lợi. Người ra đòn có nội kình phát ra vô cùng uy mãnh, một chiêu chí mạng, đối thủ trúng chiêu nhẹ thì trọng thương, nặng thì lập tức mất mạng. Đây cũng được xem là một trong những bộ võ công lợi hại bậc nhất trong truyện.
Mỗi đòn Long Tượng Bàn Nhược Công đánh ra tương truyền bằng lực của mười con rồng và mười con voi. Môn võ công này tuy có thiên hướng phật môn nhưng luyện tầng càng cao, sát ý càng mạnh, càng khó nắm bắt được tâm tính của bản thân. Nếu không thể khống chế được, bản thân sẽ rơi vào tà đạo.
Long Tượng Bàn Nhược Công có 13 tầng, mỗi tầng thì độ khó cùng thời gian luyện tăng lên gấp đôi. Trong đó, tầng thứ nhất rất dễ luyện, dù là người kém cỏi, chỉ cần 1-2 năm cũng luyện thành công. Tầng thứ hai mất 3-4 năm luyện tập. Tầng thứ ba mất 7-8 năm. Cứ như vậy nên dù khổ luyện nhưng chưa có ai có thể luyện thành tầng thứ 13. Vốn dĩ môn công phu này cứ tuần tự tiến lên, ai cũng có thể luyện thành. Tuy nhiên tuổi thọ con người có giới hạn, không ai có thể sống được để luyện hoàn thành.
Cứ như vậy là các vị cao tăng trong Mật Tông đến lúc sắp chết luyện được đến tầng thứ bảy, thứ tám thường nôn nóng, sa vào tình cảnh dục tốc bất đạt rất nguy hiểm. Thời Bắc Tống, ở Tây Tạng từng có một vị cao tăng luyện được đến tầng thứ chín, tiếp tục dũng mãnh tịnh tiến, nhưng luyện đến tầng thứ mười thì tâm ma đột khởi, không chế ngự được, cuối cùng nhảy múa như điên bảy ngày bảy đêm, tự đứt kinh mạch mà chết.
Duy nhất Kim Luân Pháp Vương có thành tựu cao nhất thì thành công đạt đến tầng thứ 10, võ công đã sánh ngang với Ngũ Tuyệt Trung Nguyên, tự cổ kim chưa từng có.
Kim Luân Pháp Vương dùng Long Tượng Bàn Nhược Công suýt lấy mạng Dương Quá
Kim Luân Pháp Vương là đệ nhất quốc sư của Mông Cổ, là nhân vật phản diện trung tâm trong bộ tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ, phần hai trong bộ Xạ Điêu Tam Bộ Khúc của tiểu thuyết võ hiệp lừng danh của cố nhà văn Kim Dung.
Ông được miêu tả là bậc kỳ tài võ học hiếm thấy nhiều đời trong phái Mật Tông, ít ai sánh kịp. Không chỉ thông minh, Kim Luân Pháp Vương còn rất say mê võ học, khổ luyện thành tài để đột phá luyện thành công tầng thứ 10 của Long Tượng Bàn Nhược Công.
Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Kim Luân Pháp Vương và Chu Bá Thông, người đứng đầu ở kỳ Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ 3 đã từng có lần đụng độ. Kim Luân Pháp Vương đã sử dụng Long Tượng Bàn Nhược Công để chiến đấu, còn Chu Bá Thông dùng Cửu Âm Chân Kinh đáp trả. Cả hai giao đấu rất lâu. Điều này chứng tỏ trình độ võ công của quốc sư Mông Cổ không kém cạnh với “Lão Ngoan Đồng”.
Tại trận chiến ở thành Tương Dương, Kim Luân Pháp Vương cũng khiến Dương Quá gặp rất nhiều khốn đốn, thậm chí suýt mất mạng.
Điều này được cố nhà văn Kim Dung miêu tả như sau: “Dương Quá cảm thấy một luồng chưởng phong áp xuống đỉnh đầu, chính là Kim Luân Pháp Vương phát chưởng tập kích. Dương Quá tung chưởng nghênh tiếp, bùng một tiếng, hai luồng kình lực đụng nhau, hai người cùng loạng choạng, cái thang gỗ rung chuyển mấy cái tựa hồ sắp gãy. Hai người cùng kinh ngạc, thầm thán phục đối thủ lợi hại. Dương Quá cảm thấy chưởng lực của Pháp vương quá trầm hùng, chàng chưa từng gặp đối thủ nào như thế”.
Giữa lúc cái chết cận kề, Dương Quá đau buồn vì sắp phải xa lìa Tiểu Long Nữ nên xuất thần tung ra một tuyệt chiêu “Đà nê đới thủy” trong Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng thay đổi cục diện, khiến Kim Luân Pháp Vương ngã xuống khỏi đài cao, cuối cùng lão chết trong đám cháy mà chưa hoàn thành tâm nguyện truyền lại môn thần công này cho hậu nhân. Nếu khi đó Kim Luân Pháp Vương đã luyện tới tầng cuối cùng e rằng không chỉ Dương Quá mà các đại cao thủ của Trung Nguyên cũng không phải đối thủ của ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.