Dễ lừa hơn…con nít
Do có quen vài thanh niên, sau Tết Nguyên đán, Nguyễn Văn Cư (trú đội 4, xã Song An, TX. An Khê, Gia Lai, hiện tạm trú tại Đức Trọng, Lâm Đồng) đến xã Long Sơn, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) chơi.
Qua những người quen, Cư đã "rỉ tai" một số người rằng: Bên Lâm Đồng có một công ty đang rất cần người. Việc nhẹ nhưng lương rất cao, từ 2- 3 triệu đồng tuỳ theo sức khoẻ và công việc.
|
Đặng Văn Tỷ, Linh Văn Điệp (từ phải sang) kể lại chuyện mình bị "bán" . |
Không mất nhiều thời gian, chỉ sau 1 ngày, Cư đã thuyết phục được 8 người của xã này cùng 5 người ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, Đăk Nông theo mình. Chiều 17.2, Cư cho xe đến đón mọi người về "công ty". Ngay đêm đó, Cư "bán" số người này cho Trung tâm Giới thiệu việc làm vườn đất Hữu Nghĩa (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng).
Sáng hôm sau, ông Nghĩa - chủ trung tâm này - "bán" lại số người trên cho những người cần nhân công với giá từ 1,2- 1,5 triệu đồng. Thay vì đi làm "công ty", số người này phải làm người ở, bán hàng, hoặc vào rừng sâu phát cỏ… với lương rất thấp. Biết mình bị lừa, họ đòi về thì bị thu điện thoại hoặc đòi tiền chuộc. Rất may vẫn có người giấu được điện thoại, nên đã báo tin và được công an đưa về an toàn.
Chị Hoàng Thị Đồ (39 tuổi, trú thôn Tây Sơn, xã Long Sơn) kể: "Hắn bảo tôi có một công ty ở Lâm Đồng đang rất cần người làm. Lương ban đầu (đã bao ăn uống) từ 2,5 - 3 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ được nâng lương. Nghe thế, tôi rất mừng và đồng ý theo hắn". Chị Đồ bảo, quanh năm quần quật với ruộng rẫy, bỏ vào miệng chưa đủ nói đâu dư ra 2- 3 triệu. "Cũng tại khổ quá mà có kịp nghĩ gì đâu…"- chị thở dài.
Những người theo Cư, ngoài chị Đồ ra, đều dưới 18 tuổi. Trong đó có 2 em còn đang đi học là Đặng Văn Công (xã Long Sơn, lớp 10) và Lương Văn Sự (xã Long Sơn, lớp 8). Công bảo: "Bố biết việc và rất ủng hộ em. Bố nói học được tích sự gì đâu, đi làm kiếm đồng tiền nuôi thân sau này. Đời bố đã khổ…".
Lỗi do ai?
Đang mùa giáp hạt, tưởng cho con đi làm kiếm chút tiền phụ gia đình, ngờ đâu phải mất hơn 1 triệu để chuộc con.
Ông Vi Vặn Phụng - bố nạn nhân Vi Thị Phùng (thôn Đăk Sơn, xã Nam Xuân)
Sau khi sự việc trên xảy ra hơn 1 tuần, chúng tôi đến UBND huyện Đăk Mil để hỏi xem huyện có chỉ đạo gì về việc này. Thế nhưng thật bất ngờ là từ ông chủ tịch, phó chủ tịch và ngay cả bà trưởng phòng LĐTBXH đều "chưa từng nghe qua".
Còn ở xã, ông Tô Văn Cành - Trưởng Công an xã, kể như… báo cáo thành tích: "Chiều hôm đó, tôi thấy xe vào đón người nhưng không hỏi, vì nghĩ rằng bên Hội Phụ nữ tuyển người cho công ty nào đó. Sáng hôm sau, hỏi Hội Phụ nữ là tôi biết ngay họ bị lừa, thế nên lập tức báo cho Công an huyện biết…".
Không riêng ông Cành, mà hầu hết lãnh đạo xã đều biết việc ấy, thế nhưng không ai bỏ chút thời gian để hỏi xem dân mình đang đi đâu.
Còn nhớ cách đây chừng 5 tháng ở Phước Sơn, Quảng Nam đã có trên 100 người bị lừa làm "khổ sai" trong rừng. Họ bị hành hạ đến 6 tháng trời, cơ quan chức năng mới biết. Cuối tháng 12.2010, hàng chục lao động tại Phú Yên cũng bị lừa "nhốt" vào rừng, bị bóc lột sức lao động đến cạn kiệt.
Cũng như 2 vụ nói trên, việc 13 người ở Đăk Nông vừa bị lừa bán cũng là nạn nhân của đói nghèo, thiếu hiểu biết, và cả sự thật thà, cả tin vốn có. Nhưng rõ ràng họ cũng chính là nạn nhân của sự thiếu quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.