Luân chuyển vốn hỗ trợ, hộ nghèo được lợi

Lê San Thứ tư, ngày 20/04/2016 16:59 PM (GMT+7)
“Dự án CT 135 đã huy động sự tham gia của người dân, hỗ trợ theo nguyện vọng của họ. Tuy nguồn vốn ít nhưng hiệu quả, nhiều người được hưởng lợi bằng cách luân chuyển vốn” - ông Bàn Tài Pu – Chủ tịch UBND xã Công Trừng, huyện Hoà An (Cao Bằng) cho hay.
Bình luận 0

Giao vốn, dân chọn cách đầu tư

Công Trừng là 1 trong 3 xã của huyện Hoà An thực hiện thí điểm dự án nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội nhằm tăng cường sự tham gia thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (gọi tắt là Dự án CT135) do Chính phủ Ailen, Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tài trợ. Trong đó, thôn Lũng Mải được chọn xây dựng tiểu dự án nuôi dê sinh sản với 6 hộ tham gia.

imgChị Lê Thị Ái ở xã Yên Lạc, huyện Như Thanh (Thanh Hoá) trồng ớt xuất khẩu từ nguồn vốn hỗ trợ của CT 135. Ảnh: L.S

Đợt đầu tiên có 2 gia đình được nhận tiền hỗ trợ là anh Sào Văn Quan và Sào Tòn Chuổng. “Từ khi nhận được hỗ trợ 25 triệu đồng của tiểu dự án, tôi và anh Chuổng đã trao đổi về địa điểm, số lượng dê chăn nuôi. Với số tiền đó, đúng ra chỉ mua được vài con dê, tôi và anh Chuổng đã góp thêm 7 triệu đồng/hộ để mua 8 con dê cái và 1 con dê đực, góp thêm công và tiền để làm chuồng với tổng chi phí hơn 40 triệu đồng” – anh Sào Văn Quan cho hay.

"Tham gia dự án, người thực hiện cũng thay đổi nhận thức trong cách nhìn “công trình là của chính họ chứ không phải là công trình của CT 135”. Từ trải nghiệm này, họ có thể tham gia thực hiện hiệu quả hơn nguồn vốn công “rót” từ các chương trình phát triển chung và CT 135 nói riêng”.

Ông Phạm Văn Thành

Anh Sào Tòn Chuổng chia sẻ thêm: “Sau gần 2 tháng chăn nuôi, đàn dê phát triển ổn định. Do được tự chọn giống nên chúng tôi đã mua một số dê cái có chửa, nay có con đã đẻ. Hy vọng sau 2 năm cùng nuôi, chúng tôi sẽ có dê bán và trả tiền cho dự án, giúp các hộ khác được nhận vốn quay vòng”.

Theo ông Bàn Tài Pu – Chủ tịch UBND xã Công Trừng, với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, xã nhận được rất nhiều chương trình hỗ trợ như 135, 30a, nông thôn mới. Người dân cũng có đơn đăng ký để xét nhận hỗ trợ nhưng nhiều khi hỗ trợ chưa sát với thực tế. “Chẳng hạn người dân muốn giống cây con thì lại được nhận máy nông nghiệp... Với dự án thí điểm  giao vốn xuống từng hộ, để người dân tự lựa chọn cách thức đầu tư, tôi nhận thấy rất hiệu quả” - ông Pu nói.

Nhiều sáng kiến hay

Năm 2014 và 2015, CIFPEN đã phối hợp UBDT và Ban Dân tộc 2 tỉnh Thanh Hoá, Cao Bằng thực hiện thí điểm mô hình trên tại 12 xã. Qua tổng kết, 100% các tiểu dự án sinh kế đều đưa ra mô hình quay vòng đồng vốn. “Chúng tôi hy vọng những kinh nghiệm này sẽ được áp dụng cho các hoạt động, dự án, cho các chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới” - ông Phạm Văn Thành – Chủ tịch CIFPEN đề xuất.

Đánh giá mô hình, ông Võ Văn Bảy – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng 135 (UBDT) cho rằng: “Những mô hình này rất hay, có nhiều điểm mới mà các xã có thể lựa chọn để nhân rộng ở trên địa bàn của mình. Cũng khá lâu rồi CT 135 không có chương trình nâng cao năng lực. Trong CT 135 giai đoạn 2016 – 2020, để thực hiện được việc nâng cao năng lực là cả một vấn đề. Đây là những kinh nghiệm tốt để những người làm chính sách, và thực hiện chính sách như chúng tôi nghiên cứu, thể chế hoá, đưa vào văn bản hướng dẫn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem