Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực sẽ giải quyết những vướng mắc nào?
Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực sẽ giải quyết những vướng mắc nào?
Thái Nguyễn
Thứ sáu, ngày 08/03/2024 17:26 PM (GMT+7)
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn thi hành để Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực. Chuyên gia đánh giá, Luật Đất đai 2024 sớm được thi hành sẽ giải quyết vướng mắc của thị trường bất động sản cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của người dân bị thu hồi đất,...
Các địa phương mong mỏi Luật Đất đai 2024 sớm đi vào đời sống
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng trình 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ nhất là việc chỉ đạo rà soát và ban hành theo thẩm quyền các quy định của UBND, HĐND được giao trong Luật Đất đai 2024. Trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
"Hiện nay, các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Nhiều lãnh đạo của UBND các tỉnh, thành phố đánh giá Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, xác định Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Luật Đất đai 2013 trong những năm qua đã bộc lộ hạn chế, tồn tại, thiếu đồng bộ, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, chưa phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt có nhiều văn bản còn chồng chéo, còn chưa thống nhất.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường cho hay, Luật Đất đai đã bám sát thể chế Nghị quyết 18, báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 và đồng bộ với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở làm cơ sở để địa phương thực hiện. Với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của thành phố tăng khoảng 13%.
"Thành phố đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Luật và các ý kiến góp ý đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa. Tôi kiến nghị Bộ sớm tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung góp ý vào các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và mong muốn sớm ban hành các Nghị định và khẳng định địa phương sẽ ban hành các Văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Đất đai 2024", Phó Chủ tịch UBND TP. HCM kiến nghị.
Dự án bất động sản "đắp chiếu" chờ Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực
Luật gia Phạm Văn Chung cho biết, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là vấn đề bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Luật Đất đai 2024 đã có quy định về tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan nên sẽ rất khó triển khai khi luật có hiệu lực.
"Do vậy, Luật Đất đai 2024 cần sớm có hiệu lực đẻ ban hành quy trình cụ thể để sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đơn vị thiết kế, thi công chặt chẽ, hiệu quả nhằm giúp việc triển khai các dự án được đẩy nhanh sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Những vấn đề bất cập cần tháo gỡ sẽ được giải quyết ngay khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành, bởi càng để lâu càng phức tạp, khó giải quyết hơn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội", ông Chung nhận định.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực hứa hẹn sẽ sớm giải quyết những vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản đang "đóng băng", qua đó, thị trường bất động sản cũng sớm hồi phục và phát triển ổn định.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho rằng Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) là những luật có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản hiện nay, nên các nhà đầu tư muốn sớm nắm rõ định hướng điều tiết thị trường khi có khung pháp lý mới từ Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Những luật liên quan đến bất động sản được thông qua, kỳ vọng sẽ hồi sinh dự án đang vướng mắc, từ đó khơi thông nguồn lực để triển khai dự án mới giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, đưa thị trường bất động sản tiến lên một chu kỳ mới”, ông Doanh nhận định.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng trong dài hạn, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực sẽ giải quyết được vướng mắc chồng chéo, chưa thống nhất từng gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư làm thật dễ dàng tiếp cận đất đai hơn; chi phí để phát triển dự án có cơ hội giảm xuống nhờ quy trình hoàn hiện pháp lý rút ngắn và giá bán sản phẩm cũng được điều chỉnh về mức hợp lý.
Luật Đất đai 2024 cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất tại khoản 1 Điều 177 và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp tại Điều 177, Điều 192... sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phát triển 1 triệu héc-ta đất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải ròng bằng “0” (Net zero), bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.